(HNM) - UBND thành phố vừa ban hành Chỉ thị số 19/CT-UBND thực hiện các quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” trên địa bàn thành phố Hà Nội. Cơ quan chuyên môn, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị đã cùng vào cuộc để phát huy hiệu quả và nhân rộng các mô hình tự quản bảo đảm an ninh trật tự ở từng địa bàn cơ sở.
Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội:
Tập trung hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”
Hằng năm, lực lượng công an tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện đồng bộ, hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Lực lượng công an tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, doanh nghiệp... tăng cường đổi mới nội dung, hình thức phát triển phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Công an thành phố sẽ tổ chức nghiên cứu, quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền Thông tư số 124/2021/TT-BCA của Bộ Công an quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; đồng thời, hướng dẫn cơ quan, đơn vị, khu dân cư... thực hiện và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn này. Cùng với đó, gắn thực hiện Thông tư số 124/2021/TT-BCA với xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Việc công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” là căn cứ để đánh giá, xét khen thưởng hằng năm về phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn:
Nhân rộng các mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải”
Thực tế cho thấy, tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự là mô hình có tác dụng nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước và hiệu quả công tác bảo đảm an ninh trật tự tại cơ sở. Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh trật tự cũng là nền tảng quan trọng để xây dựng, củng cố và đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở địa bàn dân cư. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ chỉ đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp phối hợp triển khai có hiệu quả Thông tư số 124/2021/TT-BCA của Bộ Công an. Đẩy mạnh xây dựng, nhân rộng các mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” tại khu dân cư, trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục. Tập trung tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên tích cực tham gia giữ gìn tài sản công, phòng, chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Phúc Thọ Lê Thị Toan:
Vận động các chủ thể cùng tham gia bảo đảm an ninh trật tự
Xây dựng mô hình tự quản an ninh trật tự sát thực tiễn, phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng thời điểm, từng địa bàn sẽ góp phần phát huy tính chủ động, tinh thần tự giác, đoàn kết của nhân dân trong bảo đảm an ninh trật tự. Để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện Chỉ thị số 19/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện đẩy mạnh vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, nhân dân tham gia bảo đảm an ninh trật tự để góp phần lan tỏa sâu rộng mô hình “Tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải” đến các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể.
Anh Nguyễn Quốc Hoan, chung cư Đại Kim Building, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai:
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức tự giác trong giữ gìn tài sản, không tạo sơ hở để các đối tượng xấu có điều kiện thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Nhiều nơi, lực lượng chức năng đã tận dụng khung giờ làm việc đặc thù của lực lượng công nhân môi trường, đưa lực lượng này thành “cánh tay nối dài” để nắm bắt thông tin về hoạt động của các loại tội phạm. Mặt khác, cần huy động người dân tham gia phòng ngừa, đấu tranh, tố giác tội phạm; phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Vận động nhân dân cam kết thi đua xây dựng gia đình, khu dân cư, xã, phường, thị trấn, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.
Bà Phạm Nguyệt Quế, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ:
Triển khai đồng bộ mô hình lắp camera giám sát an ninh trật tự
Có rất nhiều cách thức để tăng cường công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Tuy nhiên, thực tế từ nhiều địa bàn cho thấy, mô hình lắp camera giám sát an ninh trật tự đã phát huy hiệu quả tối đa. Từ nguồn đóng góp tự nguyện của nhân dân kết hợp nguồn ngân sách nhà nước, chính quyền cơ sở đều có thể áp dụng mô hình này. Việc giám sát 24/24 giờ tất cả các tuyến phố, ngõ nhỏ… thông qua camera an ninh sẽ giúp cung cấp dữ liệu chính xác để công an giải quyết nhanh chóng các vụ phạm pháp trên địa bàn; giúp người dân yên tâm về an ninh trật tự khu dân cư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.