(HNM) - Trong dòng chảy phát triển liên tục của đô thị Hà Nội, các công trình công cộng được xây dựng trong giai đoạn 1975-1986 mang đậm dấu ấn hơi thở của thời kỳ "bao cấp". Nhìn nhận đúng những giá trị kiến trúc của khối công trình này mang ý nghĩa quan trọng để đưa ra những giải pháp phát triển đúng hướng, giúp phát huy giá trị, làm giàu thêm khối di sản kiến trúc Thủ đô.
Những biểu trưng về giá trị tinh thần
Theo kiến trúc sư Nguyễn Đức Vinh, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội, trong lịch sử phát triển của kiến trúc Việt Nam cũng như Thủ đô Hà Nội, giai đoạn từ 1975 đến 1986 là thời kỳ có nhiều công trình công cộng được xây dựng. Tuy giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc có thể chưa đạt tới tầm cao để có thể được công nhận là di sản nhưng những yếu tố đặc trưng cho thời đại lại rất đáng lưu tâm. Quan trọng hơn, giá trị về tinh thần của những công trình này không hề nhỏ.
Đồng tình với quan điểm trên, kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội khái quát loạt công trình kiến trúc ra đời giai đoạn này đều có quy mô, kích thước lớn so với những công trình công cộng đã có tại Hà Nội trước đó như Nhà hát Lớn, Phủ Chủ tịch hay Nhà khách Chính phủ. Đây là những công trình kiến trúc hiện đại có tính toàn cầu và còn lưu dấu ấn đặc trưng kiến trúc xã hội chủ nghĩa.
Trong đó, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh là kết tinh của sự trân trọng, tình yêu thương vô bờ bến của nhân dân Việt Nam và toàn nhân loại đối với Lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu và tình đoàn kết quốc tế vô sản sâu rộng. Công trình Cung Thiếu nhi Hà Nội là minh chứng cho sự quan tâm của cả xã hội trong giai đoạn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng đã dành dụm, chắt chiu những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em. Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô là biểu tượng của sự trân trọng toàn xã hội đối với người lao động và tình hữu nghị Việt - Xô...
"Đối với yếu tố tinh thần, các công trình thời kỳ này là sự tìm đến với cộng đồng, thay vì trước đây, các công trình công cộng vốn chỉ dành cho số ít. Không phải tự nhiên mà khi nói đến cụm từ "kiến trúc bao cấp", không ít người từng sống qua thời kỳ này đều nói rằng họ gắn bó chặt chẽ với những công trình công cộng xây dựng vào thời điểm đó như Cung Thiếu nhi, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô, Bưu điện Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai. Giá trị của các công trình này nổi bật ở tính lưu giữ ký ức như vậy", kiến trúc sư Nguyễn Đức Vinh nêu thêm.
Cần khung đánh giá khách quan
Giáo sư, Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Quốc Thông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ, trong giai đoạn này, trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, nhưng nhiều thể loại công trình vẫn được xây dựng nhằm khắc phục hậu quả của chiến tranh và phục vụ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Điểm nổi bật về kiến trúc là tư tưởng thiết kế theo xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Đó là các công trình được thiết kế với triết lý không lệ thuộc vào ngôn ngữ kiến trúc cổ điển Pháp mà có hình thức kiến trúc đơn giản, mạch lạc thể hiện tinh thần của kiến trúc hiện đại, tạo ấn tượng vững chãi, phù hợp với điều kiện kinh tế còn hạn chế ở miền Bắc thời bấy giờ.
Theo nhiều chuyên gia quy hoạch kiến trúc, các công trình công cộng thời kỳ này vẫn được khai thác đúng theo công năng thiết kế, nhưng đang đứng trước sức ép cải tạo do giá trị đất đai tăng cao, bên cạnh việc lạc hậu của công năng sử dụng. Nhiều công trình đã bị phá bỏ để xây mới, tuy mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn nhiều nếu so sánh với giá trị vị trí trong đô thị, nhưng giá trị lịch sử thì mãi mãi mất đi. Do đó cần có một khung đánh giá khách quan về giá trị kiến trúc các công trình công cộng ở Hà Nội giai đoạn 1975-1986 để có được cái nhìn tổng thể về các mặt văn hóa, lịch sử, kinh tế và xã hội, nhằm đưa ra các định hướng bảo tồn, tái phát triển một cách đúng đắn, giải quyết bài toán về thiếu hụt không gian công cộng của Thủ đô.
"Đây là quỹ công trình kiến trúc thể hiện tự lập, nội lực mà mang nhiều giá trị tiêu biểu của quy hoạch kiến trúc giai đoạn 1954-1986 với sự nỗ lực tìm tòi và thể nghiệm. Thành phố cần sớm xác định, nhận diện lại các công trình, gồm các mô hình nhà ở, để bảo tồn các giá trị kiến trúc, quy hoạch, là minh chứng cho quá trình phát triển liên tục bền bỉ của Thăng Long - Hà Nội", Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam góp ý kiến.
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết, Hội Kiến trúc sư Hà Nội đã chủ động thúc đẩy các hoạt động chung của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội, huy động trí tuệ, tài năng nhiệt huyết của hàng vạn văn nghệ sĩ trí thức Thủ đô chung tay phục hưng các hoạt động của Cung Thiếu nhi, Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô để đáp ứng đòi hỏi đổi mới trong xu thế sáng tạo toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.