Lễ hội hai làng Văn Giang (thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức) và Nam Dương (xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa) có rất nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học… cần thiết phải bảo vệ, phát huy, lập hồ sơ đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Đó là nội dung hội thảo khoa học “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản lễ hội hai làng Văn Giang - Nam Dương” do UBND hai huyện: Mỹ Đức và Ứng Hòa tổ chức ngày 30-9. Dự hội thảo có các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các đơn vị thuộc Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, nhân dân hai địa phương…
Lễ hội kết tinh nhiều giá trị
Theo các cụ cao niên ở địa phương, ngày xưa, dân làng Nam Dương ven sông Đáy có cuộc sống yên bình thì bỗng dưng một ngày nọ, bọn cướp bóc ở đâu đó tràn về. Chúng quấy nhiễu cuộc sống của người dân, tàn phá nhà cửa, cướp của cải, lợn, gà, trâu bò... Các bậc trưởng lão đã ra đình đánh trống kêu cứu. Nghe tiếng trống, người làng Văn Giang lập tức bơi thuyền sang ứng cứu.
Sau khi đánh đuổi bọn cướp, hai làng lập khoán ước trên sông (hiện còn bản lưu bằng chữ Hán, lập vào năm 1849): Hễ làng nào có giặc, cướp hoành hành thì đánh trống báo hiệu để cùng nhau chống lại, bảo vệ xóm làng... Cho tới bây giờ, khoán ước của tổ tiên vẫn được con cháu hai làng tiếp nối, thực hành…
Trình bày nghiên cứu khoa học tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) cho biết, kho tàng tư liệu thần tích, sắc phong về thần hoàng hai làng Văn Giang và Nam Dương vô cùng phong phú và quý giá, có thể nghiên cứu để lý giải và rút ra những kết luận về nhiều khía cạnh có liên quan tới hoạt động tín ngưỡng thành hoàng, phong tục tập quán của hai làng. Đặc biệt là tục kết giao (kết chạ) giữa hai làng trong việc thực thi nghi thức lễ hội trên đoạn sông giáp ranh hai làng.
“Sự kết giao, lễ hội này của hai làng ven sông Văn Giang và Nam Dương là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, cần được ghi nhận để bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa truyền thống”, Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân nhấn mạnh.
Ở phạm vi rộng hơn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) đã làm rõ hơn về giá trị của tục kết chạ ở vùng châu thổ Bắc Bộ, trong đó có khoán ước của hai làng Văn Giang - Nam Dương.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, tục kết chạ là di sản văn hóa vô giá, hàm chứa giá trị lớn lao của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ…
Có nhiều thời gian làm việc với địa phương, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đánh giá, tục kết chạ ở hai làng Văn Giang - Nam Dương khá đặc biệt.
Tại nhiều nơi, kết chạ thường là cùng xã, cùng huyện, nhưng ở Văn Giang - Nam Dương là hai xã, hai huyện, hai bên bờ sông Đáy. Lễ hội truyền thống hai làng Văn Giang - Nam Dương là sinh hoạt văn hóa dân gian tổng hợp, độc đáo, phong phú, kết tinh nhiều giá trị: Kết nối cộng đồng; giáo dục về đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ về lịch sử; văn hóa tâm linh; sáng tạo và hưởng thụ văn hóa tinh thần; bảo tồn, làm giàu và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; kinh tế…
Phát biểu tại hội thảo, đại diện hai làng Văn Giang - Nam Dương bổ sung những giá trị của lễ hội, “khoán ước” trên sông. “Thực hiện lời dạy của tiền nhân, nhân dân hai làng chưa bao giờ xảy ra xích mích; luôn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau…”, ông Đinh Văn Đâu, người dân thôn Nam Dương chia sẻ.
Cần bảo vệ, phát huy di sản
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu, kết chạ là mỹ tục, kết tinh rất nhiều giá trị. “Đây là một di sản văn hóa truyền thống của cha ông được con cháu kế tục, thực hành và làm mọi cách để bảo vệ, bảo tồn. Một trong các giải pháp quan trọng để bảo vệ, bảo tồn và phát huy đó là chúng ta cần nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất để ghi tục kết chạ và lễ hội liên quan ở các làng, cụ thể là di sản văn hóa cấp quốc gia”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thiệu nhấn mạnh, gợi mở phương pháp bảo vệ, phát huy mỹ tục của hai làng Văn Giang - Nam Dương.
Từ kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học và giá trị thực tế của lễ hội, cán bộ, nhân dân hai thôn, hai xã, hai huyện Mỹ Đức và Ứng Hòa phát biểu tại hội thảo mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục giúp địa phương biện pháp bảo vệ, phát huy mỹ tục, nhất là hoàn thiện hồ sơ được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phát biểu tại hội thảo, lãnh đạo các đơn vị thuộc Cục Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đề nghị, lãnh đạo, nhân dân hai địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà nghiên cứu khoa học hoàn thiện hồ sơ lễ hội hai làng, trình cơ quan chức năng xem xét đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.