(HNMO) - Ngày 8-12, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát tại huyện Mê Linh về công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn.
Huyện Mê Linh có 161 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 1 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt (đền Hai Bà Trưng), 25 di tích cấp quốc gia, 56 di tích cấp tỉnh, thành phố. Nhiều di tích của huyện đã bị xuống cấp hoặc xuống cấp nghiêm trọng như: Đình Bạch Trữ, đền Hồ Đề, chùa Linh Quy...
Giai đoạn 2012-2020, huyện đã thực hiện trùng tu, tôn tạo các di tích từ ngân sách nhà nước 75,5 tỷ đồng, đạt 65,7%; nguồn xã hội hóa được 125,2 tỷ đồng, đạt 43,7%. Năm 2022, huyện đang hoàn thiện hồ sơ triển khai tu sửa cấp thiết đình Yên Vinh (xã Thanh Lâm), đền Mẫu (xã Tam Đồng) và tu bổ, tôn tạo 2 di tích từ 100% nguồn xã hội hóa là đình Đông Cao, đền Ả Lã Nương Chi (xã Tráng Việt).
Hằng năm, huyện bố trí kinh phí cho tu sửa cấp thiết các di tích khoảng 3 tỷ đồng. UBND huyện cũng đã rà soát, đề xuất UBND thành phố đầu tư kinh phí tu bổ, tôn tạo 51 di tích xuống cấp, 38 di tích xuống cấp nghiêm trọng, 12 di tích xuống cấp hạng mục gốc, 1 di tích phát huy điểm đến trong giai đoạn 2021-2025.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Nguyễn Thị Kim Dung lưu ý huyện Mê Linh cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tới người dân để nâng cao nhận thức về bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền, vận động để những người có đạo chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật Nhà nước.
Đồng thời, công tác quản lý các cơ sở tôn giáo cần đảm bảo bám sát Luật Di sản và các quy định pháp luật, chú trọng vấn đề an ninh tôn giáo tại các cơ sở. Việc quản lý, bảo quản di vật, cổ vật trong di tích cần được thực hiện tốt hơn, thể hiện ở các hồ sơ cụ thể; thông qua thanh tra, kiểm tra hiện trạng di tích. Cán bộ chức năng cũng cần sát sao hơn nữa để đề xuất các phương án tu bổ, tôn tạo di tích một cách thỏa đáng. Đặc biệt, huyện cần phát huy tốt hơn vai trò của Ban quản lý di tích ở các xã, thị trấn, để đưa công tác quản lý di sản đối với các cơ sở tôn giáo trên địa bàn ngày càng đi vào quy củ...
Tại buổi làm việc, đoàn đã giám sát thực tế tại đền Hai Bà Trưng và chùa Liễu Trì.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.