(HNM) - Trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, bí thư chi bộ kiêm hiệu trưởng một trường ngoài công lập thẳng thắn cho biết: "Mọi việc trong trường do tôi quyết hết".
Khi lãnh đạo Thành ủy hỏi, trước một vấn đề mới liên quan quyền lợi và trách nhiệm của cán bộ, giáo viên trong trường, chi bộ có họp để lấy ý kiến đảng viên không, vị này trả lời: "Không! Tôi quyết hết, không cần phải hỏi. Giảng viên vi phạm là tôi đuổi ngay".
Câu trả lời của vị bí thư chi bộ kiêm hiệu trưởng trên cũng có nghĩa việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở đơn vị này chỉ là hình thức. Đáng nói, đây là tình trạng chung của tổ chức đảng trong các đơn vị ngoài khu vực nhà nước hiện nay. Hiệu trưởng trường ngoài công lập hay giám đốc công ty ngoài nhà nước, xét cho cùng là những "ông chủ", có quyền định đoạt mọi vấn đề mà họ chịu trách nhiệm lãnh đạo, quản lý. Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó: Một lãnh đạo tự quyết sẽ giúp giải quyết công việc nhanh, nhất là trong sản xuất, kinh doanh, thời gian cũng có nghĩa là cơ hội. Thế nhưng, thực tế không phải ai và không phải lúc nào, ngay cả một người sáng suốt nhất cũng có thể luôn luôn đưa ra các quyết định chính xác, phù hợp. Đây là sự cần thiết phải tăng cường dân chủ trong tổ chức đảng ngoài khu vực nhà nước. Bởi vì việc bàn bạc, thảo luận với cán bộ, đảng viên một cách dân chủ trong tổ chức đem lại nhiều ý nghĩa tích cực, còn là dịp để tổ chức đảng ngoài khu vực nhà nước tuyên truyền, thăm dò ý kiến và tranh thủ trí tuệ của cán bộ, đảng viên, người lao động.
Vẫn biết, dùng quyền buộc người khác phải nghe theo là một cách để đạt mục tiêu nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu quyền hành được kết hợp với việc phát huy dân chủ. Chỉ khi đó người lao động làm việc một cách tự giác, sáng tạo, phấn đấu hết mình vì lợi ích của cơ quan, tổ chức. Chính vì lẽ đó, tổ chức đảng ngoài khu vực nhà nước không nên lơ là việc phát huy dân chủ ở cơ quan, đơn vị mình. Đó là chưa nói, việc tranh thủ ý kiến của nhiều người cũng là cơ hội để tận dụng sức mạnh số đông, tranh thủ trí tuệ của người khác. Nói một cách dân dã, "nhiều cái đầu thường sáng suốt hơn một cái đầu".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.