Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy dân chủ, nâng chất lượng đào tạo

Đình Hiệp| 12/06/2022 06:23

(HNM) - Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội có nhiệm vụ lãnh đạo các tổ chức cơ sở Đảng của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với 70 tổ chức cơ sở Đảng và hơn 18.000 đảng viên, thời gian qua việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được Đảng bộ Khối triển khai đồng bộ, gắn với công tác nâng cao chất lượng đào tạo.

Thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục góp phần tạo thống nhất về nhận thức của cán bộ, giảng viên, sinh viên khi triển khai đổi mới quản trị đại học. Trong ảnh: Một tiết thực hành của sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tạo thống nhất về nhận thức, hành động

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TƯ ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, cùng các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố, thời gian qua, Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Ban Giám hiệu các trường trực thuộc triển khai hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục - đào tạo.

Từng có nhiều năm làm công tác quản lý, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội quan tâm đến việc phát huy dân chủ gắn với nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng trong đổi mới quản trị đại học. “Việc thực hiện dân chủ trong cơ sở giáo dục đại học góp phần tạo thống nhất về nhận thức, hành động, sự đồng thuận, quyết tâm trong cán bộ, đảng viên, người lao động, sinh viên khi triển khai đổi mới quản trị đại học”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Quý chia sẻ.

Về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Hòa, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở sẽ tạo được sự đồng thuận trong triển khai các công việc, nhiệm vụ. Đơn cử, việc đổi mới nội dung chương trình và mô hình đào tạo là cần thiết, song việc triển khai lại gặp không ít khó khăn. Trước thực tế này, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã tổ chức các hội nghị, hội thảo và các diễn đàn để mọi người tham gia ý kiến về những điểm còn khác biệt. Nhờ đó, nhà trường đã tạo nên sự thống nhất về nhận thức, từ đó triển khai tốt việc đổi mới nội dung chương trình và mô hình đào tạo...

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường giúp phát huy quyền làm chủ của cán bộ, giảng viên và sinh viên theo quy định của pháp luật, nâng cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo trường, lãnh đạo các tổ chức, đơn vị trong trường. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, thực hiện tốt dân chủ còn phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi quan liêu, lãng phí, kém hiệu quả, thiếu minh bạch khi giải quyết công việc...

Thực hiện dân chủ gắn với nhiệm vụ được giao

Bí thư Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn cho rằng, việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng khối đoàn kết, thống nhất để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các trường học trong bối cảnh triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đại học theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan.

Trong khi đó, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Minh, Phó Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đề nghị cần tăng cường sự lãnh đạo, công tác kiểm tra của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp và công tác giám sát của Hội đồng trường theo chức năng, nhiệm vụ với việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mai Hương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội trường - Trường Đại học Mở Hà Nội, để thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở thì cần “3 công khai”. Đó là công khai về tài chính, công khai chất lượng giáo dục, công khai đội ngũ cán bộ giảng viên và cơ sở vật chất giáo dục. Ngoài ra, việc thực hiện dân chủ trên cơ sở phát huy quyền làm chủ của viên chức, người lao động trong thực hiện các nhiệm vụ được giao cần được chú trọng và quan tâm, nhất là trong việc đóng góp ý kiến cho các văn bản quản trị, điều hành của nhà trường.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, để nâng cao hiệu quả xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trong các trường đại học thuộc Đảng bộ Khối các trường đại học, cao đẳng Hà Nội, việc gắn với thực hiện chủ trương của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước có ý nghĩa quan trọng. Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Hội đồng trường, Ban Giám hiệu, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội sinh viên trong việc thực hiện Quy chế dân chủ gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy dân chủ, nâng chất lượng đào tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.