(HNM) - Những ngày này, cấp ủy các cấp đang tập trung tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành TƯ Đảng (khóa XI).
Những điểm mới đáng lưu ý
Quy chế Bầu cử trong Đảng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TƯ không lâu sau Hội nghị TƯ 9 (khóa XI) thay thế Quy chế do Bộ Chính trị (khóa X) ban hành tại Quyết định số 220-QĐ/TƯ ngày 14-7-2009. Điểm mới đầu tiên là Quy chế Bầu cử lần này do BCH TƯ (khóa XI) ban hành và được áp dụng đối với bầu cử trong Đảng từ chi bộ đến BCH TƯ, rộng hơn quy chế cũ (chỉ áp dụng đối với bầu cử từ chi bộ đến các đảng bộ trực thuộc TƯ).
Phát huy nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ giúp cho cấp ủy các cấp thực hiện thắng lợi những nghị quyết đề ra. Ảnh: Thái Hiền |
Quy chế mới có 7 chương, 38 điều. Đặc biệt, so với quy chế cũ, quy chế mới được bổ sung 12 điều mới. Đó là, các nội dung quy định về nhiệm vụ của đoàn thư ký; ứng cử, đề cử, việc ứng cử, đề cử của cấp ủy viên, ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư; danh sách trích ngang của các ứng cử viên; bầu Bộ Chính trị; bầu Tổng Bí thư; bầu Ban Bí thư; bầu Ủy ban Kiểm tra TƯ; bầu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra TƯ; bầu bổ sung ủy viên BCH TƯ, ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ủy ban Kiểm tra TƯ.
Trong 12 điều mới được bổ sung, Điều 13 được quan tâm nhất. Đây cũng là điều được hội nghị tập trung thảo luận và lấy phiếu biểu quyết thông qua. Nội dung Điều 13 quy định: "1- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy. 2- Ở các hội nghị của BCH, ủy viên ban thường vụ không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do ban thường vụ cấp ủy đề cử; không được tự ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của ban thường vụ cấp ủy. 3- Ở các hội nghị của BCH TƯ, các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do Bộ Chính trị đề cử; không được tự ứng cử hoặc nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của Bộ Chính trị".
Quy chế mới sửa đổi, bổ sung nội dung của 3 điều, trong đó, riêng Điều 16 được hội nghị tập trung thảo luận và lấy phiếu biểu quyết thông qua. Đây cũng là điểm mới nổi bật trong quy chế mới. Điều 16 quy định cả mức tối thiểu và mức tối đa về số dư: "Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội (hội nghị) quyết định không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội (hội nghị) chuẩn bị nhân sự cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy có số dư khoảng 10-15%".
Cơ sở để thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ
Hai Điều 13 và 16 cũng chính là những điểm mới trong Quy chế Bầu cử trong Đảng được dư luận quan tâm nhất trong thời gian qua. Hầu hết các ý kiến đánh giá cao những quy định mới này và cho rằng, việc thực hiện tốt Quy chế sẽ bảo đảm cho một kỳ đại hội thành công.
Thực hiện Điều 13, cấp ủy cấp triệu tập đại hội sẽ thảo luận, xem xét, cân nhắc danh sách đề cử. Trong đó, từng đồng chí cấp ủy viên sẽ phải lựa chọn, ghi phiếu để xác định: Trong số cấp ủy viên cũ ai tái cử, ai không tái cử; xác định ai là người bổ sung tham gia cấp ủy khóa mới. Những đồng chí được hơn 50% số cấp ủy viên đương nhiệm lựa chọn mới được đưa vào danh sách đề cử của cấp ủy. Với cách làm như vậy, từng đồng chí cấp ủy viên đã thực hiện trách nhiệm của mình vào quyết định của cấp ủy. Tại các hội nghị của cấp ủy hay ban chấp hành TƯ, các cấp ủy viên hay ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư "không được đề cử nhân sự ngoài danh sách, không được ứng cử và nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách" cũng chính là tuân thủ quyết định của tập thể mà từng người đã góp phần hình thành trước đó. Ngoài ra, tất cả đảng viên chính thức không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 13 vẫn thực hiện quyền ứng cử, đề cử và nhận đề cử như bình thường. Quyền ứng cử, đề cử và nhận đề cử của đảng viên trong đại hội không hề bị ảnh hưởng.
Liên quan đến quy định về số dư, ở các kỳ đại hội trước, không ít đại hội không thành công vì số dư quá nhiều. Những đại hội có số dư quá cao khiến số phiếu bầu thiếu tập trung. Nhiều chuyên gia có kinh nghiệm cho rằng, rất khó khi bầu cử có số dư lớn mà phiếu bầu lại tập trung. Chính vì vậy, quy định như Điều 16 của Quy chế Bầu cử trong Đảng với điểm mới là quy định cả mức tối thiểu và mức tối đa về số dư là sự bảo đảm vừa thực hiện dân chủ, vừa tập trung, đồng thời khắc phục được tình trạng số dư quá cao dẫn đến bầu cử loãng.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà (Vụ trưởng, Ban Tổ chức TƯ, thành viên tổ giúp việc cho Bộ Chính trị), những điểm mới tại Điều 13 và Điều 16 nói riêng và Quy chế mới nói chung không chỉ khắc phục được những hạn chế cũ, mà còn là sự cụ thể hóa ở mức độ cao hơn để thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.