Các nhà khoa học Anh đã phát hiện một vùng đất từng là nơi sinh sống của những loài vật kỳ quái và hiện không còn tồn tại ở vùng đảo Wallacea của Indonesia dựa vào việc phân tích những hóa thạch được tìm thấy tại khu vực này.
Theo các nhà khoa học, Wallacea từng là nơi sinh sống của những loài vật như rồng Komodo, voi răng kiếm Pygmy và các loài gặm nhấm khổng lồ.
Trong quá trình tìm kiếm hóa thạch tại Sumba, một trong những hòn đảo thuộc vùng này, họ đã phát hiện những hóa thạch có từ thế địa chất Pleistocene (thế Canh Tân, cách đây hơn 2,5 triệu năm) và thế Holocene (Toàn Tân, cách đây 11.700 năm) gồm hóa thạch của 2 loài gặm nhấm khổng lồ đã tuyệt chủng và 1 chiếc răng của rồng Komodo - một loại thằn lằn sống lâu nhất trên Trái Đất.
Hai con rồng Komodo. (Nguồn: Daily Mail) |
Ngoài ra, họ cũng tìm thấy hóa thạch của voi răng kiếm Pygmy, loài voi có vóc dáng nhỏ nhất trong số các loài voi.
Trước đó, các nhà khoa học Anh cũng đã phát hiện hóa thạch của những động vật tương tự tại đảo Flores cũng ở Wallacea, cách đảo Sumba 50 km về phía Bắc.
Tác giả chính của nghiên cứu trên, tiến sĩ Samuel Turvey thuộc Hội vườn thú London (ZSL), cho biết nhiều loài động vật tại Wallacea đã tuyệt chủng khi người hiện đại xuất hiện thời tiền sử.
Hiểu biết về sự đa dạng sinh học trong quá khứ của các hòn đảo ở khu vực này sẽ giúp con người nắm rõ hơn về quá trình tiến hóa của các loài vật, nguyên nhân khiến cho một số loài vật bị tuyệt chủng hoặc vẫn còn tồn tại tới tận ngày nay và ảnh hưởng do các hoạt động của con người đối với hệ sinh thái tại những hòn đảo trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.