Các nhà khảo cổ học lại phát hiện hang Thẩm Vài, tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) là nơi cư trú của người nguyên thủy, có niên đại cách đây khoảng 6.000-7.000 năm.
Những hiện vật được tìm thấy. (Ảnh: Vũ Quang Đán/Vietnam+) |
Ngày 5/10, ông Quan Văn Dũng, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang cho biết, qua điều tra, khảo sát khảo cổ học tại huyện Chiêm Hóa ( Tuyên Quang), đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Tuyên Quang và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hang Thẩm Vài tại xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) - nơi cư trú của người nguyên thủy, có niên đại cách ngày nay khoảng 6.000-7.000 năm.
Kết quả khai quật bước đầu cho thấy dấu tích của người nguyên thủy tìm thấy gần như khắp hang, qua mặt cắt địa tầng cho thấy hang có hai lớp văn hóa: Lớp văn hóa sớm và lớp văn hóa muộn phát triển trực tiếp lên nhau, không có lớp phân cách.
Lớp văn hóa sớm, nằm ở phía dưới dày từ 1-1,2m, chứa nhiều công cụ lao động như công cụ chặt đập, nạo cắt, cuốc tay... có đầu nhọn, cùng một số đá nguyên liệu. Tất cả được chế tác từ những viên cuội sông suối, bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ. Loại hình công cụ ở lớp này mang đặc trưng công cụ văn hóa Hòa Bình như công cụ hình đĩa, công cụ rìu ngắn, công cụ hình bầu dục...
Lớp văn hóa muộn nằm bên trên lớp văn hóa sớm, dày trung bình 0,5m, ngoài chứa những công cụ đá cuội ghè đẽo, còn có rìu mài nhẵn toàn thân, đặc biệt là đồ gốm thô được nặn bằng tay, độ nung thấp...
Trong hai lớp văn hóa, đoàn khảo cổ còn tìm thấy khối lượng lớn xương răng động vật và vỏ nhuyễn thể sông suối như ốc, trai, trùng trục và vỏ mai ba ba lớn, là tàn tích thức ăn của người nguyên thủy.
Đáng chú ý, đoàn khảo cổ đã tìm thấy dấu vết cháy và vết chặt trên những đoạn xương ống, chứng tỏ người nguyên thủy đã phân chia con thú săn được thành nhiều phần và nướng thịt trên lửa.
Những dấu tích còn lại cho thấy săn bắt, hái lượm chiếm vị trí chủ đạo trong phương thức tìm kiếm nguồn thức ăn của người nguyên thủy nơi đây.
Trong hang có nhiều dấu tích bếp với lớp than tro khá dày, có nơi dày trên 10cm. Qua mặt cắt địa tầng còn cho thấy dấu tích của nhiều thời kỳ mưa lớn, làm lắng đọng tạo nhiều lớp trầm tích vôi hóa phủ kín khu vực khai quật.
Phó giáo sư, tiến sỹ Trình Năng Chung, trưởng Đoàn khảo cổ cho biết, căn cứ vào kết quả nghiên cứu tổng thể các di vật, vào kết cấu trầm tích địa tầng văn hóa, bước đầu cho thấy Thẩm Vài là một di tích cư trú của của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy.
Lớp cư trú sớm nhất thuộc cư dân văn hóa Hoà Bình muộn, có niên đại cách ngày nay khoảng 6.000-7.000 năm; lớp cư trú muộn thuộc giai đoạn hậu kỳ đá mới- sơ kỳ kim khí có niên đại cách ngày nay khoảng 3.500-4.000 năm.
Đây là phát hiện khảo cổ học quan trọng, đóng góp những nhận thức mới vào việc nghiên cứu thời tiền sử ở Tuyên Quang nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trước đó, đoàn khảo cổ học của Bảo tàng Tuyên Quang và Viện Khảo cổ học Việt Nam đã phát hiện hang Thẩm Choóng (thuộc bản Không Mây, xã Năng Khả, huyện Na Hang) - nơi cư trú của người nguyên thủy sống ở giai đoạn sơ kỳ đá mới, có niên đại cách ngày nay khoảng 7.000-8.000 năm.
Như vậy, qua việc phát hiện liên tiếp hai hang cư trú của người nguyên thủy Thẩm Choóng và Thẩm Vài cho thấy trên mảnh đất Tuyên Quang từ 7.000-8.000 năm về trước đã là nơi cư trú liên tục của người nguyên thủy./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.