(HNM) - Các chuyên gia Viện Khảo cổ học vừa khai quật di chỉ hang Phia Vài (xã Phúc Sơn, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang), phát hiện tại đây có dấu vết cư trú của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy.
Các nhà khảo cổ đã thu được gần 1.000 di vật, gồm đồ đá, đồ xương, đồ gốm và vỏ nhuyễn thể sông suối như ốc, trai, trùng trục và vỏ mai ba ba lớn. Nơi đây cũng phát lộ nhiều công cụ lao động chặt đập, nạo cắt, cuốc tay có đầu nhọn cùng một số đá nguyên liệu được chế tác từ những viên cuội sông suối bằng kỹ thuật ghè đẽo thô sơ. Đáng chú ý là đã tìm thấy ở đây nhiều dấu tích bếp với lớp than tro khá dày, có nơi dày trên 10cm... Căn cứ vào kết quả nghiên cứu tổng thể các di vật, các chuyên gia cho rằng, hang Thẩm Vài là một di tích cư trú của nhiều thế hệ cư dân nguyên thủy, có niên đại cách nay khoảng 6.000-7.000 năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.