Thông qua kính viễn vọng Kepler, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện bộ ba hành tinh ấm giống Trái đất với ít nhất một hành tinh có thể có sự sống.
Theo International Business Times ngày 18-1, các hành tinh này quay xung quanh EPIC 201367065 - một ngôi sao lùn đỏ nằm trong vùng Goldilocks, còn được gọi là "vành đai xanh" và là vùng có thể ở được.
Các nhà khoa học Mỹ cho biết vừa phát hiện bộ ba hành tinh có thể có sự sống quay quanh một ngôi sao lùn đỏ - Ảnh: NASA |
EPIC 201367065 nằm cách Trái đất khoảng 150 năm ánh sáng và có kích thước chỉ bằng 1/2 mặt trời. Ba hành tinh quay quanh nó có kích thước lần lượt bằng 2,1, 1,7 và 1,5 lần kích thước của Trái đất.
Erik Petigura - nghiên cứu sinh tại ĐH of California, Berkeley (Mỹ) và là thành viên nhóm nghiên cứu cho biết trong bộ ba trên, hành tinh nhỏ nhất giống Trái đất hơn hẳn.
Nó có bán kính bằng khoảng 1,5 bán kính Trái đất và nhận ánh sáng từ ngôi sao mẹ tương tự như Trái đất nhận ánh sáng từ Mặt trời.
Hiện nhóm nghiên cứu đang tiếp tục kiểm tra các dữ liệu và phân tích để làm rõ hơn về hành tinh này.
Trước đó vào đầu tháng 1, các nhà thiên văn học thuộc Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA) cũng tuyên bố đã phát hiện ra hành tinh giống Trái đất nhất từ trước tới nay và gọi nó là Kepler 438b.
Kepler 438b lớn hơn Trái đất khoảng 12%, nằm trong chòm sao Lyra, cách chúng ta 470 năm ánh sáng. Nó ở trong quỹ đạo của một ngôi sao lùn cam và nóng hơn Trái đất do nhận lượng nhiệt nhiều hơn khoảng 40% so với lượng nhiệt mà Trái đất nhận từ Mặt trời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.