(HNMO) - Ngày 6-7, theo tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương, tại đây vừa phát hiện bệnh nhân P.N.T (35 tuổi, ở huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn) mắc bệnh phong. Đây là một căn bệnh đang dần bị lãng quên. Thế nhưng, nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể. Vậy bệnh này có dễ lây lan?
Tỷ lệ mắc phong ở nước ta rất thấp
Bệnh viện Da liễu trung ương vừa tiếp nhận bệnh nhân P.N.T (35 tuổi, Lộc Bình, Lạng Sơn) đến khám vì nổi nhiều tổn thương nốt sẩn đỏ, ấn đau, xuất hiện rải rác ở tay, chân.
Bệnh nhân T cho biết, tình trạng này diễn biến hơn 2 năm nay. Bệnh nhân đã đi khám nhiều nơi tại bệnh viện tỉnh và cả bệnh viện trung ương với nhiều chẩn đoán và điều trị nhiều đợt khác nhau. Tuy nhiên, bệnh vẫn không thuyên giảm mà ngày càng tiến triển nặng.
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh nhân T được bác sĩ thăm khám và phát hiện tổn thương là các sẩn đỏ, ấn chắc, đau tại tổn thương, kích thước đa dạng từ 1-3cm, phân bố rải rác khắp vùng mặt, tay chân, trên cơ thể...
Dù không điển hình nhưng nghi ngờ bệnh nhân mắc bệnh phong - một căn bệnh da liễu mà hiện nay dần bị quên lãng, các bác sĩ đã chỉ định xét nghiệm và kết quả bệnh nhân dương tính với vi khuẩn gây bệnh.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật thẩm mỹ và phục hồi chức năng (Bệnh viện Da liễu trung ương) cho biết, bệnh phong còn được gọi là bệnh ma phong hay bệnh hủi, phong cùi, bệnh Hansen. Đây là bệnh truyền nhiễm mạn tính do vi khuẩn Mycobacterium leprae gây ra, chủ yếu biểu hiện ở ngoài da và hệ thống thần kinh ngoại biên.
Tuy nhiên, Việt Nam đã thực hiện chương trình chống phong quốc gia rất tốt. "Hiện có rất nhiều loại thuốc điều trị bệnh phong hiệu quả, do đó tỷ lệ mắc phong tại Việt Nam rất thấp", bác sĩ Nguyễn Hữu Quang nói.
Hiện nay, nhiều nhà nghiên cứu phân loại bệnh phong thành 3 thể. Đó là bệnh phong thể củ là dạng bệnh phong nhẹ, ít nghiêm trọng hơn 2 loại còn lại. Những người mắc bệnh này chỉ xuất hiện một hoặc vài mảng da phẳng, màu nhợt nhạt. Vùng da bị ảnh hưởng có thể cảm thấy tê liệt do các dây thần kinh bên dưới nó đã tổn thương. Bệnh phong thể củ cũng ít lây hơn các dạng khác.
Thể thứ hai là bệnh phong thể u, đây là dạng bệnh nghiêm trọng hơn. Người mắc bệnh sẽ bị u da và nổi ban (đa cùi phiến), tê và yếu cơ. Mũi, thận và các cơ quan sinh sản nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng. Loại bệnh này dễ lây hơn bệnh phong thể củ.
Thể thứ ba là bệnh phong thể trung gian. Những người mắc thể phong này có các triệu chứng của cả hai dạng thể củ và thể u.
Không nên chủ quan
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Quang, cơ chế lây nhiễm của bệnh phong chủ yếu qua tiếp xúc. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy, bệnh lây qua các dịch tiết của người bệnh nhưng đòi hỏi phải có tiếp xúc gần và kéo dài. Với người bệnh đã bắt đầu điều trị thì khả năng truyền bệnh của họ giảm tới 99%. Tỷ lệ lây giữa vợ chồng chỉ là 2-3%. Đặc biệt, bệnh phong không di truyền và có thể chữa khỏi.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, các vi khuẩn gây bệnh phát triển rất chậm. Do đó, bệnh có thời kỳ ủ bệnh (thời gian giữa nhiễm trùng và xuất hiện triệu chứng đầu tiên) lên đến 5 năm. Các triệu chứng có thể không xuất hiện trong khoảng 20 năm.
Các triệu chứng chính của bệnh phong bao gồm: Yếu cơ; tê tay, chân; tổn thương da. Các tổn thương da có thể làm xúc giác không còn nhạy, giảm cảm giác khi tiếp xúc với nhiệt độ hoặc bị đau...
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quang khuyến cáo, bệnh phong nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại di chứng mất cảm giác các dây thần kinh, tàn tật vĩnh viễn, biến dạng cơ thể. Trên thực tế, nhiều trường hợp mắc bệnh phong bị chẩn đoán muộn, để lại di chứng tàn tật.
Đặc biệt, có thể tạo thành các ổ bệnh nguy hiểm trong cộng đồng. Do đó, các bác sĩ cũng không được mất cảnh giác với bệnh lý này. Khi nghi ngờ có bệnh nhân mắc bệnh cần chuyển tới các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và làm các xét nghiệm chẩn đoán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.