(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 5.000 ca sốt xuất huyết, trong đó 2 người tử vong.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 20-7, PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, năm nay, mùa mưa đến sớm cộng với các công trình xây dựng, nhiều khu nhà trọ, môi trường sống ô nhiễm là nguyên nhân khiến muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết phát triển.
Thông thường, đỉnh dịch sốt xuất huyết rơi vào tháng 9 và tháng 10. Nhưng năm nay, mới tháng 7 mà Hà Nội đã rơi vào đỉnh dịch. Dịch sốt xuất huyết trên địa bàn còn có thể kéo dài đến cuối năm 2017. Dự báo, tháng 9 và tháng 11 tiếp tục có những đỉnh dịch mới với số mắc có thể vượt những “kỷ lục” trong 10 năm gần đây như năm 2009 có 16.000 ca, năm 2015 hơn 15.000 ca.
Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm do vi rút Dengue (D) gây nên. Có 4 type vi rút gây bệnh (gồm D1, D2, D3, D4). Điều đáng chú ý, nếu như năm 2016, qua giám sát cho thấy, các bệnh nhân mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội là do vi rút type D1, thì năm nay đã phát hiện thêm vi rút type D2 và D4.
Do xuất hiện 3 type vi rút nên số người mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội gia tăng mạnh, thậm chí nhiều trường hợp khi tái nhiễm, bệnh sẽ nặng hơn. Hiện việc phun thuốc diệt muỗi là phun xông hơi và chỉ có tác dụng nhất thời. Vì vậy, biện pháp quan trọng nhất vẫn là tích cực vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy, lăng quăng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.