(HNMO) - Sản phẩm sữa hạt dinh dưỡng dành cho người tiểu đường NutriZabet được quảng cáo với công dụng như một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường - Công ty công bố, đăng ký nội dung quảng cáo và chịu trách nhiệm về sản phẩm này vừa bị Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) phạt 75 triệu đồng.
Ngày 24-4, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: Cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO (tên cũ là Công ty cổ phần quốc tế TCG có địa chỉ trụ sở chính: Tầng 1, số 44 đường Nguyễn Viết Xuân, phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, Hà Nội) số tiền 75 triệu đồng do vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ Nutrizabet.
Cụ thể, công ty này bị xử phạt với 2 hành vi vi phạm, một là quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; hai là quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet không phù hợp với Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đã được cấp.
Cùng với hình thức phạt tiền, Cục An toàn thực phẩm đã buộc Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế TAPHACO tháo gỡ nội dung quảng cáo vi phạm.
Nutrizabet là thực phẩm bảo vệ sức khỏe, hiện được giới thiệu là sữa hạt hỗ trợ giảm và ổn định đường máu, giảm nguy cơ mắc biến chứng tiểu đường. Thế nhưng, công ty này “thổi phồng” công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ NutriZabet khiến nhiều người mắc bệnh tiểu đường hiểu lầm đó là thuốc.
Vào cuối tháng 3-2023, Cục An toàn thực phẩm đã phát đi cảnh báo về sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Nutrizabet quảng cáo sai sự thật, đồng thời đề nghị người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo ở một số địa chỉ để mua và sử dụng sản phẩm.
Thực tế, không chỉ với sản phẩm sữa hạt NutriZabet mà trên nhiều trang mạng, tình trạng quảng cáo thổi phồng công dụng của thực phẩm bảo vệ sức khoẻ vẫn diễn ra tràn lan.
Theo Cục An toàn thực phẩm, các vi phạm chủ yếu là một số cơ quan phát hành quảng cáo chưa thực hiện đúng quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thường phát hành các nội dung quảng cáo khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo, gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ; quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi của người tiêu dùng, người nổi tiếng quảng cáo có tác dụng điều trị bệnh.
Thậm chí, một số công ty thuê địa điểm, tổ chức đào tạo nhân viên gọi điện thoại, tư vấn, giả danh bác sĩ, dược sĩ tư vấn bệnh, dọa dẫm khách hàng để tư vấn liệu trình điều trị bệnh, thực tế là bán thực phẩm bảo vệ sức khỏe…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.