(HNM) - Sáng 16-12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp bà Elisabeth Guigou, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp, nhân dịp bà có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhận thư của Tổng thống Pháp Francois Hollande do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp chuyển tiếp. Chủ tịch nước hoan nghênh chuyến thăm của Tổng thống Pháp đến Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Trước sự quan tâm của Pháp về tình hình Biển Đông, Chủ tịch nước cám ơn Pháp đã ủng hộ lập trường của Việt Nam về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, phù hợp với DOC, thúc đẩy việc ký kết COC, giữ an ninh an toàn hàng hải, hàng không. Chủ tịch nước chúc mừng Pháp tổ chức thành công Hội nghị COP21; một lần nữa chia buồn với Pháp về những mất mát trong vụ khủng bố vừa qua; nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là cực lực lên án những hành động khủng bố gây thương vong tới người dân thường.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Elisabeth Guigou cho biết Tổng thống Pháp luôn dành cho Việt Nam sự quan tâm đặc biệt và mong muốn sẽ sớm đến thăm Việt Nam trong thời gian gần nhất. Về tình hình Biển Đông, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Elisabeth Guigou cho biết, cá nhân bà và các nghị sĩ Pháp đều nhận thấy quy mô bồi đắp không hề nhỏ, đúng như Việt Nam phản ánh. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Elisabeth Guigou khẳng định Pháp ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan đến Biển Đông.
* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp Elisabeth Guigou.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thành công của chuyến thăm là một đóng góp tích cực vào quan hệ Việt - Pháp nói chung và quan hệ giữa cơ quan lập pháp của hai nước nói riêng. Thủ tướng khẳng định Việt Nam mong muốn và làm hết sức mình, cùng với Pháp hai bên nỗ lực thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - ngoại giao; kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch đến quốc phòng, kỹ thuật quân sự, văn hóa, giáo dục - đào tạo… ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, đem lại lợi ích cho cả hai bên; từ đó làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.