(HNMO) - Tối 6-11, tại Hà Nội, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Trung ương tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022.
Dự buổi lễ có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Cùng dự có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và lãnh đạo các bộ, ngành.
Khai mạc buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhấn mạnh, 10 năm qua, việc triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tinh thần Ngày Pháp luật đã và đang được lan tỏa, thẩm thấu sâu hơn trong đời sống xã hội, góp phần trực tiếp vào công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật và qua đó góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.
Năm 2022 là năm thứ 10 hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam. Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương và địa phương trong cả nước đã và đang thực hiện kế hoạch tổ chức sự kiện quan trọng này bằng nhiều nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo. Đặc biệt, trong 2 tháng cao điểm tổ chức hưởng ứng, các hoạt động đã diễn ra sôi nổi trên khắp mọi miền đất nước, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận và tích cực tham gia.
Điểm nhấn của lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 là giao lưu, tọa đàm giữa các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam và 10 năm thực hiện Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, Ngày Pháp luật Việt Nam được triển khai từ năm 2013 và được duy trì hằng năm đã có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, trở thành một sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế hình ảnh một nước Việt Nam thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền công dân.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, qua 10 năm tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam, công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật có nhiều tiến bộ quan trọng. Hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng đầy đủ, ổn định, thống nhất, đồng bộ, minh bạch, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến pháp luật, kịp thời đưa chính sách vào cuộc sống đã giúp người dân tiếp cận nhanh chóng, đặc biệt trong 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, chất lượng xây dựng pháp luật chưa cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật có lúc, có nơi còn hình thức, chưa quan tâm đến vùng sâu, vùng xa, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Không ít vụ buôn lậu, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, tình trạng tảo hôn, vi phạm quy định giao thông vẫn diễn ra. Tình trạng vi phạm pháp luật xảy ra ngay cả trong hoạt động thực thi công vụ. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, bảo vệ pháp luật mặc dù được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
Để Ngày Pháp luật Việt Nam năm 2022 và các năm tiếp theo thực sự có ý nghĩa, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục quán triệt nâng cao nhận thức, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; khẩn trương triển khai Nghị quyết Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, sau khi được cấp có thẩm quyền ban hành. Cùng với đó là tập trung đầu tư cho công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật với tầm nhìn tổng thể, dài hạn, gắn kết xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật.
“Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật. Muốn đưa pháp luật vào cuộc sống thì ngay từ khâu xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, có tính khả thi, phải đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong việc phổ biến pháp luật. Nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Xây dựng giải pháp hiệu quả để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho các tầng lớp nhân dân, coi đây là khâu đột phá trong tổ chức thi hành pháp luật, là mục tiêu quan trọng nhất của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Phát huy vai trò chủ động, tích cực, tính tự giác và trách nhiệm nêu gương của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức trong học tập, nghiên cứu, tìm hiểu pháp luật, đặc biệt là trong tuân thủ và chấp hành pháp luật để mọi người dân tin tưởng, noi theo. Nâng cao vai trò của cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo đảm mọi vi phạm pháp luật đều được xử lý kịp thời, công bằng, nghiêm minh, công khai, minh bạch. Công tác tổ chức thi hành pháp luật phải hướng về cơ sở, xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải được chú trọng ngay từ cấp chính quyền gần dân nhất. Đồng thời, tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hưởng ứng Ngày Pháp luật để phục vụ đắc lực hơn cho việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, để các hoạt động này gần gũi và cần thiết hơn đối với mỗi cộng đồng, mỗi người dân.
Dịp này, Thủ tướng Chính phủ đã trao Bằng khen cho các tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc qua 10 năm hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.