Dư âm về việc công tố viên ở Tòa án Hình sự quốc tế của Liên hợp quốc (ICC) đề nghị tòa này phát lệnh bắt giữ Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cộng sự còn chưa lắng xuống thì Tòa án Công lý quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) đã đưa ra phán quyết thuận theo Nam Phi yêu cầu Israel không được tấn công quân sự vào thành phố Rafah ở Dải Gaza.
Không chỉ vậy, ICJ còn yêu cầu Israel phải thông thương một số cửa khẩu để có thể thực hiện thuận lợi những hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế cho người dân ở Dải Gaza. Israel không tham gia ICC nhưng là thành viên của ICJ nên có nghĩa vụ phải tuân thủ mọi phán quyết của ICJ. Dù phán quyết của ICJ có hiệu lực bắt buộc đối với Israel, bản thân ICJ không có nhân lực và chế tài để buộc Israel phải tuân thủ. ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc làm thay việc này và các thành viên của ICJ có thể áp dụng những biện pháp trừng phạt Israel.
Trong những biểu lộ công khai phản ứng đầu tiên, ông Netanyahu tỏ ra không để những động thái mới xảy ra ở cả hai tòa án quốc tế của Liên hợp quốc là ICC và ICJ làm lay chuyển quyết tâm tiến hành chiến dịch tấn công quân sự vào thành phố Rafah. Tuy nhiên, việc bất chấp phán quyết này của ICJ không hề dễ dàng gì đối với ông Netanyahu và Israel bởi ba lý do chính sau đây.
Thứ nhất, ICC và ICJ là hai tòa án khác nhau của Liên hợp quốc nhưng trong vụ việc hiện tại lại cùng liên quan đến cách thức Israel tiến hành chiến tranh ở Dải Gaza, việc Israel hợp tác như thế nào và gây khó ra sao cho những hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế dành cho người dân ở Dải Gaza và đến chủ định của Israel tấn công quân sự vào thành phố Rafah. Vì vậy, phía Israel và ông Netanyahu không thể loại trừ hoàn toàn khả năng hình thành hiệu ứng cộng hưởng từ vụ việc ở ICC với vụ việc ở ICJ, kích hoạt chuỗi động thái và diễn biến mới với hệ lụy tai hại không thể lường hết được đối với Israel.
Thứ hai, Israel và bản thân ông Netanyahu hiện nhận thấy rõ Israel ngày càng đơn độc trên thế giới. Không ai phản bác quyền chính đáng của Israel về bảo vệ an ninh nhưng ngay đến cả những đồng minh chiến lược truyền thống quan trọng nhất lâu nay của Israel giờ cũng đã bắt đầu không thể hoàn toàn đồng tình với cách thức Israel giải quyết những vấn đề an ninh của mình. Tình trạng này càng kéo dài thì chỉ càng thêm có lợi cho những địch thủ và đối thủ của Israel ở khu vực, trong đó có Hamas.
Thứ ba, Israel bất chấp ICC và ICJ thì những bên lâu nay là đồng minh truyền thống của Israel hay đang ủng hộ Israel trong cuộc chiến tranh giữa Hamas và Israel sẽ càng thêm khó xử, bất kể họ có tham gia ICC hay ICJ hay không. Sau phán quyết nói trên của ICJ, nếu Israel vẫn tiến hành các cuộc tấn công quân sự vào thành phố Rafah thì những bên hậu thuẫn Israel sẽ buộc phải rất thận trọng và kiềm chế trong việc tiếp tục viện trợ tài chính và quân sự cho Israel thực thi những chiến dịch quân sự này. Những đồng minh của Israel sẽ bị coi là đạo đức giả và áp dụng tiêu chuẩn kép nếu để cho Israel bất chấp ICC và ICJ trong khi lại dựa vào phán quyết của ICC và ICJ để gây sức ép đối với quốc gia khác.
Mức độ bất lợi của phán quyết trên của ICJ đối với Israel còn thêm gia tăng bởi quyết định đồng thời của Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy sẽ công nhận Nhà nước Palestine độc lập. Cả Slovenia và Malta cũng đã tuyên cáo ý định sẽ công nhận Nhà nước Palestine độc lập.
Như vậy, có thể thấy, những sự việc riêng lẻ về bản chất lại có thể hội tụ, để tạo nên hiệu ứng chung lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.