(HNM) - Theo dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông - Vận tải soạn thảo đang được lấy ý kiến góp ý của nhân dân (lần thứ 2), giấy phép lái xe sẽ được phân thành 16 hạng thay vì 13 hạng như hiện hành. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, việc phân hạng giấy phép lái xe nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo thuận tiện cho người dân. Nhiều ý kiến đã bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với quy định này.
Luật sư Trần Xuân Tiền, Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Tòa nhà VP3 bán đảo Linh Đàm, quận Hoàng Mai):
Sửa đổi Luật Giao thông đường bộ là cần thiết
Công ước Giao thông đường bộ (Công ước Viên 1968) gồm những quy định để tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng cường an toàn giao thông đường bộ thông qua các quy tắc giao thông đường bộ. Năm 2015, nước ta gia nhập Công ước này và cam kết sẽ thay đổi những quy định liên quan để phù hợp với thông lệ quốc tế sau 5 năm gia nhập.
Căn cứ Điểm a, Khoản 1, Điều 3 của Công ước: "Các quốc gia ký kết phải bảo đảm luật lệ đường bộ của quốc gia mình phù hợp với những quy định trong Chương II của Công ước. Miễn là luật lệ đường bộ nói trên phù hợp với những quy định đã nêu". Hiện nay đã hết thời hạn 5 năm, vì vậy Việt Nam phải thay đổi nếu không sẽ phải rút khỏi Công ước. Nếu việc này xảy ra sẽ ảnh hưởng tới uy tín quốc gia. Mặt khác, có thể thấy việc sửa đổi Luật Giao thông đường bộ là cần thiết và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay.
Thiếu tá Nguyễn Đăng Tiến, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông Tuần tra dẫn đoàn (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội):
Cách phân hạng mới sẽ phù hợp thông lệ quốc tế
Theo nguyên tắc ngoại giao, việc phân hạng giấy phép lái xe phải phù hợp với quy định chung của quốc tế thì giấy phép lái xe được cấp ở Việt Nam mới được nước ngoài công nhận. Tuy nhiên, hiện nay, hạng giấy phép lái xe ở Việt Nam đang chênh lệch so với quốc tế. Ví dụ, hạng C ở Việt Nam được lái xe tải từ 3,5 tấn đến vài chục tấn, nhưng nước ngoài lại quy định từ 3,5 đến 7,5 tấn là hạng C và từ 7,5 tấn trở lên là hạng C1.
Nếu không thay đổi, việc sử dụng giấy phép lái xe của công dân Việt Nam khi ở nước ngoài và của người nước ngoài khi đến Việt Nam là không được phép. Việc phân thêm các hạng giấy phép lái xe sẽ tạo điều kiện thuận tiện cho người Việt Nam sang nước ngoài cũng như người nước ngoài sang Việt Nam. Cách phân hạng giấy phép lái xe mới sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế, để các hạng giấy phép lái xe của Việt Nam được công nhận ở nước ngoài, giúp người Việt Nam ra nước ngoài không gặp khó khăn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông ở nước sở tại.
Ông Đinh Văn Thái (phường Khương Mai, quận Thanh Xuân):
Bảo đảm an toàn giao thông, đáp ứng yêu cầu cắt giảm thủ tục hành chính
Theo tôi được biết, theo dự thảo lần hai của Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, có 2 nhóm đối tượng được cấp giấy phép lái xe hạng A1. Đó là: Những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và những người từ 18 tuổi trở lên. Người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi vượt qua bài sát hạch chỉ được điều khiển xe gắn máy, kể cả xe máy điện, có dung tích xi lanh dưới 50cm3 hoặc có công suất động cơ điện không vượt quá 4kW. Khi những người này đủ 18 tuổi sẽ được phép điều khiển thêm mô tô hai bánh có dung tích xi lanh 50-125cm3 hoặc có công suất động cơ điện 4-11kW mà không phải sát hạch lại hoặc nộp hồ sơ cấp đổi.
Tôi hoàn toàn đồng tình với quy định này. Chúng vừa góp phần bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh phổ thông chưa đủ 18 tuổi, vừa đáp ứng yêu cầu của người dân trong việc cắt giảm thủ tục hành chính liên quan đến việc cấp giấy phép lái xe.
Ông Nguyễn Văn Được, giáo viên dạy thực hành lái xe Trung tâm Đào tạo lái xe VOV:
Không ảnh hưởng đến hiệu lực giấy phép lái xe đã cấp
Thời hạn của giấy phép lái xe gồm 2 loại: Có thời hạn và không có thời hạn. Hiện nay, giấy phép lái xe không có thời hạn gồm hạng A1, A2, A3; còn lại là giấy phép lái xe có thời hạn theo tuổi đối với người lái xe (B1) hay thời hạn 5 năm, 10 năm theo từng hạng giấy phép. Đối với giấy phép lái xe không có thời hạn đã được cấp trước đây phù hợp với hạng xe quy định sẽ vẫn còn hiệu lực sử dụng. Trường hợp giấy phép lái xe có thời hạn thì khi hết hạn phải làm thủ tục cấp đổi, khi đó sẽ đổi sang hạng tương đương nếu Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được thông qua. Như vậy, việc phân hạng giấy phép lái xe không ảnh hưởng đến hiệu lực giấy phép lái xe đã cấp, không phát sinh chi phí cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.