(HNM) - Theo chiến lược phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) sẽ từng bước xây dựng trở thành tập đoàn kinh tế mạnh, giữ vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng và cân đối về khoáng sản...
Khai thác than tại Công ty Than Vàng Danh.
Với quan điểm này, TKV đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò và gia tăng trữ lượng than ở vùng Đông Bắc (ĐB), Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và vùng than nội địa. Vùng ĐB được đầu tư mở rộng mỏ hầm lò hiện có, xây dựng các mỏ hầm lò mới hiện đại; gia tăng nhanh sản lượng để đáp ứng cao nhất nhu cầu của nền kinh tế, trước mắt cho giai đoạn đến năm 2020. Vùng ĐBSH sẽ hoàn thành điều tra, thăm dò, đẩy mạnh thử nghiệm công nghệ khí hóa than dưới lòng đất và công nghệ mỏ hầm lò truyền thống để đến năm 2015 có kết luận cho việc mở rộng đầu tư mỏ tại Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, từ đó hình thành tổ hợp năng lượng than - điện; than - khí - điện - nhiên liệu lỏng. Nếu thử nghiệm thành công, giai đoạn năm 2020-2025, bể than này sẽ giữ vai trò quan trọng trong cân bằng năng lượng quốc gia...
Cùng với việc ưu tiên phát triển dự án điện đốt than nhiệt lượng thấp, xít thải mỏ, khí mê tan quy mô công suất phù hợp với điều kiện tại hai bể than trên, TKV đầu tư dự án nhiệt điện than lớn vùng ven biển, như Hải Phòng 3, Quỳnh Lập (Nghệ An) và các nhà máy nhiệt điện nhỏ tại hải đảo, nhà máy nhiệt điện đốt than bùn kết hợp với biomas (năng lượng sinh khối), rác thải tại các địa phương. Để trở thành nhà sản xuất, cung ứng nguyên liệu khoáng sản và sản phẩm kim loại khối lượng lớn, có sức cạnh tranh, TKV đã đầu tư thử nghiệm 2 dự án bauxite-alumin Tân Rai và Nhân Cơ ở Tây Nguyên, công suất mỗi dự án 650.000 tấn alumin/năm; đầu tư nhà máy điện phân nhôm công suất 150.000-200.000 tấn nhôm thỏi/năm. Giai đoạn sau 2015 sẽ phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, kỹ thuật với các dự án bauxite-alumin, bauxite-hydrat nhôm, điện phân nhôm, sản phẩm từ nhôm thỏi và sản phẩm phụ trợ. TKV tập trung đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến titan-zircon tại Ninh Thuận, Bình Thuận và bắc Bà Rịa - Vũng Tàu. Đẩy mạnh thăm dò, tiến tới khai thác mỏ quặng sắt trong nước, hợp tác khai thác mỏ sắt ở Lào và Campuchia. Năm 2011 phấn đấu đưa vào vận hành nhà máy thép Cao Bằng và năm 2012, vận hành nhà máy thép Lào Cai, mỗi nhà máy công suất 220.000 tấn/năm. Đầu tư với quy mô công nghiệp công nghệ tiên tiến cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản; đồng thời thu hút quặng thô từ nhà đầu tư khác để chế biến sâu, hình thành các tổ hợp mỏ - luyện kim, mỏ - hóa chất, mỏ - vật liệu xây dựng... Từng bước hiện đại hóa ngành cơ khí sửa chữa, phát triển cơ khí chế tạo theo hướng mở rộng chuyên môn hóa, hợp tác hóa, phấn đấu chế tạo một số sản phẩm mang thương hiệu TKV có khả năng cạnh tranh cao và trở thành nhà tổng thầu thiết kế, chế tạo, cung cấp, lắp ráp thiết bị. Để phát triển ngành cơ khí, trước hết TKV ưu tiên lĩnh vực chế tạo máy mỏ, thiết bị điện mỏ phục vụ chương trình cơ giới hóa, tự động hóa mỏ hầm lò và băng tải hóa hệ thống vận tải than, khoáng sản, vật liệu xây dựng… TKV phấn đấu trở thành nhà sản xuất, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp và một số sản phẩm hóa chất có nguồn gốc từ khoáng sản cho thị trường trong nước, xuất khẩu. Ở những vùng tập trung nhiều dự án, TKV và các công ty thành viên đã ký với chính quyền địa phương chương trình phối hợp hành động, thể hiện rõ trách nhiệm của các bên trong phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển KT-XH, bảo vệ môi trường. Trên cơ sở đó, Tập đoàn phối hợp với địa phương khai thác tiềm năng trên địa bàn để phát triển kinh doanh các ngành nghề khác, vừa phát triển KT-XH, vừa bảo đảm hài hòa giữa an ninh năng lượng và an ninh lương thực, bảo vệ môi trường...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.