(HNMO) - Chiều 13-7, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 58, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có một số điểm mới, như xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu), trong đó, tập trung chỉ đạo ưu tiên hỗ trợ cho các xã, huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn theo hướng bền vững; phấn đấu đến 2025 cả nước không còn xã dưới 15 tiêu chí; khuyến khích các địa phương có điều kiện chủ động xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.
Nội dung trọng tâm của chương trình giai đoạn 2021-2025 là tập trung vào nâng cao chất lượng đời sống, phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, trong đó chú trọng phát triển kinh tế nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng công tác bảo vệ môi trường, chất lượng hoạt động văn hóa cơ sở gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao năng lực của cộng đồng, thay đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông thôn…
Mục tiêu của chương trình phấn đấu đến năm 2025 là có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu cả nước có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh hoàn thành nhiệm vụ đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với cấp tỉnh, có ít nhất 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Chương trình cũng phấn đấu có ít nhất 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới theo các tiêu chí nông thôn mới do cấp tỉnh quy định.
Chính phủ cũng đề ra 11 nội dung thành phần thuộc chương trình. Trong đó, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng miền; triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển mạnh ngành nghề nông thôn; giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang và hải đảo...
Chính phủ đưa ra hai phương án tổng nguồn lực huy động thực hiện cho chương trình: Dự kiến khoảng 2.078.000 tỷ đồng (trong đó khoảng 39.632 tỷ đồng là vốn ngân sách trung ương) và dự kiến khoảng 2.600.000 tỷ đồng (trong đó khoảng 51.500 tỷ đồng là vốn ngân sách trung ương).
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu nhận định khái quát, ở đâu có nông thôn đều phải được xây dựng nông thôn mới, không phân biệt khu vực, điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, ở đâu còn hộ nghèo thì giảm chỗ đó chứ không chỉ riêng khu vực miền núi, bãi ngang và hải đảo. “Giảm nghèo là mục tiêu thực hiện theo đối tượng chứ không chỉ riêng địa bàn”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng cần tiếp tục ban hành khung tiêu chí xây dựng nông thôn mới, phân cấp cho tỉnh, huyện sát thực với yêu cầu cụ thể của địa phương.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, cần có chuyên đề riêng, định hướng trong chương trình để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn.
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, sau 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng, to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Về nguồn lực thực hiện chương trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ sẽ tiến hành rà soát, tính toán lại số liệu, bảo đảm nguồn lực ngân sách được bố trí hợp lý trên cơ sở chú trọng các nguyên tắc và thứ tự ưu tiên.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với việc tiếp tục ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo chương trình để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.