Xã hội

Phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị

Thanh Hiền 08/11/2023 - 17:45

Ngày 8-11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2023.

Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng, cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Đặc biệt, cần sớm có cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị.

8-11-anhbotruong.jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại hội nghị.

Phát triển đô thị bền vững

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng ở mức cao, đóng góp khoảng 70% GDP cả nước. Đến tháng 9-2023, toàn quốc có 902 đô thị, trong đó, bước đầu đã hình thành cực tăng trưởng kinh tế và trung tâm đổi mới sáng tạo; khoa học, công nghệ; giáo dục, đào tạo tại các đô thị lớn, nhất là tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, đô thị Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều hạn chế như: Chất lượng đô thị hóa chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng chủ yếu gây lãng phí về đất đai, giảm thiểu mức độ tập trung kinh tế. Kết cấu, chất lượng hạ tầng đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển dân số và kinh tế khu vực đô thị; chưa thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng phó với dịch bệnh quy mô lớn. Khả năng tiếp cận dịch vụ công và phúc lợi xã hội của người nghèo và lao động di cư tại đô thị còn thấp và nhiều bất cập...

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, trước mắt, các chính quyền đô thị cần phát huy tính chủ động, bố trí nguồn lực, vật lực và nhân lực cho sự nghiệp phát triển đô thị tại địa phương, tập trung đầu tư nâng cấp, cải thiện chất lượng đô thị song song với quá trình đô thị hóa. Phát huy nội lực và động lực đô thị của địa phương để đáp ứng với nhu cầu tăng trưởng và sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng quan điểm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh việc cần thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị. Đặc biệt, cần sớm có cơ chế và công cụ hoạt động nhằm tối ưu hóa hợp tác giữa các địa phương trong phát triển đô thị.

Về huy động các nguồn lực cho phát triển đô thị, cần kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là từ đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị; tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị.

“Các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn cần chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao. Các đô thị nhỏ cần tập trung phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội”, ông Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh.

8-11-anhminh.jpg
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng) phát biểu.

Chuyển đổi số trong quản lý đô thị

Với sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0, đô thị thông minh đã trở thành xu thế tất yếu, là động lực cơ bản cho phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, chống lại những vấn đề về phát triển đô thị ngày nay như: Ô nhiễm môi trường, vấn đề tội phạm, ùn tắc giao thông, dịch vụ kém hiệu quả và đình trệ phát triển kinh tế…

Ý kiến các chuyên gia đều cho rằng, quá trình xây dựng, phát triển đô thị thông minh cũng chính là quá trình thực hiện chuyển đổi số trong phạm vi đô thị mà ở đó từ quy hoạch cho đến quản lý đều gắn liền với hệ cơ sở dữ liệu. Bởi vậy, muốn chuyển đổi số thành công thì việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phải luôn “đi trước một bước” và được chú trọng hàng đầu.

Theo Tiến sĩ, Kiến trúc sư Lưu Đức Minh, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Bộ Xây dựng), để nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững, cần xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị; ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Đồng thời, cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển thị trường thông minh.

Đồng tình với vai trò tối quan trọng của cơ sở dữ liệu đối với phát triển đô thị thông minh, ông Lê Quang Phùng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ thông tin địa lý eK cho rằng, để tạo ra nền tảng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị, cần xây dựng bản đồ nền hạ tầng kỹ thuật chi tiết nhất có thể, đặc biệt với yếu tố về giao thông để phục vụ công tác quản lý quy hoạch.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu quy hoạch dữ liệu, quy hoạch đô thị tập trung trên toàn địa bàn các địa phương, ứng dụng trên điện thoại thông minh cho phép người dân tra cứu các thông tin cụ thể...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.