Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa: Phát huy hiệu quả đầu tư

Tiến Thành| 11/09/2022 06:43

(HNM) - Tiếp tục tăng cường phân cấp, ủy quyền thực hiện các dự án đầu tư và việc quản lý trước, trong và sau đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa là giải pháp được thành phố Hà Nội đề ra. Qua đó, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư; phát huy công năng công trình, hiệu quả đầu tư các dự án.

Diện mạo khang trang của Trường Trung học phổ thông Xuân Phương (quận Nam Từ Liêm) khi được đầu tư 122 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất.

Phân cấp quản lý đồng bộ

Theo UBND thành phố Hà Nội, sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 14/2021/QĐ-UBND ngày 6-9-2021 quy định phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, lượng hóa nhiệm vụ quản lý trong một số lĩnh vực về văn hóa, y tế, giáo dục đã được phân cấp mạnh cho cấp huyện. Trong đó, lĩnh vực văn hóa được phân cấp triệt để nhất. Cụ thể hiện nay, cấp thành phố có trách nhiệm đầu tư tu bổ, bảo tồn 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 47 di tích cách mạng kháng chiến; cấp huyện đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích còn lại trên địa bàn. Cấp thành phố cũng đầu tư, quản lý 30 thiết chế văn hóa, thể thao; cấp huyện đầu tư, quản lý 4.470 thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ cộng đồng…

Về lĩnh vực y tế, thành phố đầu tư, đồng bộ với quản lý sau đầu tư 41 bệnh viện; cấp huyện đầu tư, đồng bộ với quản lý sau đầu tư trung tâm y tế cấp huyện, gồm 666 cơ sở. Đối với lĩnh vực giáo dục, thành phố quản lý 242 trường công lập và ngoài công lập; cấp huyện quản lý 2.476 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở.

Theo Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên, đối với lĩnh vực y tế, cơ sở vật chất thì phân cấp cho cấp huyện nhưng nhân lực thì vẫn được quản lý theo ngành dọc từ Sở Y tế đã gây ra những bất cập trong quản lý. “Nếu phân cấp được toàn bộ từ cơ sở vật chất đến nhân lực ngành Y tế xuống cho cấp huyện dưới sự hướng dẫn về chuyên môn của Sở Y tế sẽ có hiệu ứng ngay lập tức trong phòng, chống dịch Covid-19 nói riêng và chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung”, Bí thư Huyện ủy Đông Anh Lê Trung Kiên khẳng định, đồng thời cho rằng đây là vấn đề đang xảy ra với ngành Giáo dục cấp trung học phổ thông khi quy hoạch thuộc cấp huyện nhưng chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền Sở Giáo dục và Đào tạo.

Bên cạnh đó, việc thực hiện ủy quyền thủ tục hành chính vẫn còn thấp. Thành phố chỉ mới ủy quyền 1 nhiệm vụ, nội dung cho Sở Y tế thẩm định, phê duyệt các báo cáo kinh tế, kỹ thuật đầu tư xây dựng công trình có tổng mức đầu tư dưới 3 tỷ đồng; ủy quyền 1 nhiệm vụ, nội dung cho Sở Giáo dục và Đào tạo thành lập đoàn đánh giá ngoài để công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Giải phóng nguồn lực cơ sở

Xác định tổng nhu cầu đầu tư 3 lĩnh vực giáo dục, y tế, di tích giai đoạn 2022-2025 là 97.495 tỷ đồng, với 3.385 dự án, Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 6-5-2022 của UBND thành phố Hà Nội về đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố cũng đã đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, thực hiện kế hoạch.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Đỗ Anh Tuấn cho biết, căn cứ năng lực triển khai, UBND thành phố có thể giao UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án cấp thành phố. Cấp huyện cân đối ngân sách và thực hiện thủ tục đầu tư đối với các nhiệm vụ chi thuộc trách nhiệm của cấp huyện. Căn cứ năng lực triển khai, thành phố tiếp tục xem xét giao UBND các quận, huyện, thị xã làm chủ đầu tư các dự án về giáo dục, di tích và một số dự án y tế bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Ngoài ra, đối với toàn bộ các dự án do cấp huyện cân đối vốn 100% để thực hiện, cấp huyện sẽ chủ động thực hiện toàn bộ trình tự thủ tục đầu tư.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải, dự thảo Đề án về phân cấp, ủy quyền mới cũng cho phép các quận, huyện, thị xã có nguồn lực tốt, có khả năng cân đối được ngân sách, có năng lực tổ chức thực hiện tốt thì được sử dụng ngân sách cấp huyện để thực hiện các dự án nhiệm vụ chi ngân sách cấp thành phố, thành phố sẽ ủy quyền cho cấp huyện toàn bộ các thủ tục hành chính được phép theo quy định. Bên cạnh đó, nếu Đề án về phân cấp, ủy quyền mới được HĐND thành phố Hà Nội thông qua, cấp huyện sẽ thực hiện toàn bộ các thủ tục đầu tư, cải tạo đối với các trường trung học phổ thông, gồm cả các thủ tục về điều chỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án; ngân sách cấp thành phố hỗ trợ mục tiêu cho cấp huyện thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo đối với các trường trung học phổ thông.

“Với việc triển khai như trên sẽ giải phóng được nguồn lực của các địa phương có tiềm lực tốt, tăng tính chủ động, cải cách hành chính thực chất cho cấp huyện”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa: Phát huy hiệu quả đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.