Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phân cấp quản lý: khắc phục bất cập, tăng đồng bộ, hiệu quả

L.H| 17/11/2010 04:12

(HNMO) – Đánh giá tình hình thực hiện phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội của Hà Nội giai đoạn 2009-2010 và đề xuất phương án phân cấp quản lý giai đoạn 2011-2015, tiếp tục là vấn đề nóng được tập thể UBND TP Hà Nội thảo luận trong chiều 16/11.


Việc phân cấp đã được triển khai khá toàn diện nhưng còn vướng mắc

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, việc phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2009-2010 trên địa bàn Hà Nội được triển khai khá đồng bộ, toàn diện. Về cơ bản, các quy định trong phân cấp quản lý giữa chính quyền cấp thành phố, cấp quận/huyện và cấp phường/xã đã được thực hiện theo đúng hướng dẫn của Trung ương. Riêng trong lĩnh vực lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng, Hà Nội đã quy định triển khai phân cấp theo lộ trình để phù hợp với điều kiện thực tế cũng như năng lực bộ máy cán bộ ở các quận, huyện.

Bên cạnh đó, thực tế thời gian cho thấy, phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố đã tạo điều kiện mở rộng, phát huy quyền tự chủ, tính chủ động, sáng tạo của các cấp chính quyền cơ sở, giảm tải công việc cho cấp thành phố, từng bước nâng cao năng lực bộ máy, trình độ cán bộ cấp quận, huyện, thị xã, phường, xã và góp phần huy động tốt nhất mọi nguồn lực để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đó cũng chính là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện phân cấp quản lý kinh tế - xã hội ở Hà Nội giai đoạn 2009-2010 cũng còn một số khó khăn, vướng mắc. Đó là triển khai phân cấp ở một số lĩnh vực còn chậm, lúng túng, công tác hướng dẫn, kiểm tra, phối hợp giữa các ngành và các cấp trong một số lĩnh vực quản lý còn chưa kịp thời, thường xuyên, quá trình triển khai còn vướng mắc như công tác quản lý hè, đường phố, hệ thống chiếu sáng, các công trình thuỷ lợi…



Đường Văn Cao nối Liễu Giai với Hoàng Hoa Thám, Hà Nội.


Nhiệm vụ phân cấp về kinh tế xã hội lớn, được gắn với phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư trong khi nguồn vốn phân cấp cho các quận huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Cùng với đó là tổ chức, bộ máy để thực hiện nhiệm vụ phân cấp quản lý chưa được chuẩn bị đầy đủ và đồng bộ với yêu cầu phân cấp quản lý kinh tế - xã hội. Công tác bổ sung, đào tạo, tuyển dụng cán bộ còn khó khăn, tại nhiều quận, huyện, phường, xã lực lượng cán bộ thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng để thực hiện nhiệm vụ phân cấp.

Trên cơ sở đánh giá kết quả triển khai phân cấp quản lý giai đoạn 2009-2010, UBND TP nhận định việc tiếp tục đẩy mạnh phân cấp quản lý giữa các cơ quan chính quyền cấp thành phố - cấp quận/huyện - cấp phường/xã là chủ trương đúng đắn, quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng đến công tác quản lý điều hành trên địa bàn thành phố. Chính vì vậy, cần thiết phải có quy định về phân cấp quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011-2015.

Căn cứ vào yêu cầu thực tế, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất phân cấp quản lý 5 lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 bao gồm: phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế, phân cấp quản lý nhà nước về văn hoá – xã hội, phân cấp quản lý nhà nước về hạ tầng kỹ thuật đô thị, phân cấp quẩn lý nhà nước về đất đai, tài nguyên và môi trường, phân cấp quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý đầu tư và xây dựng.

Các nội dung sửa đổi và bổ sung trong phân cấp quản lý nhà nước về quy hoạch, quản lý đầu tư và xây dựng bao gồm: lĩnh vực quy hoạch xây dựng; quản lý cấp phép và trật tự xây dựng; quản lý nhà ở; quản lý đầu tư.

Xem xét lại phân cấp trong lĩnh vực văn hoá - thể thao và y tế

Sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố đều nhất trí và đồng tình với các nội dung phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2015 mà Sở đề xuất. Tuy nhiên, có 2 lĩnh vực mà các đại biểu cho rằng thành phố cần xem xét lại, đó là phân cấp trong lĩnh vực văn hoá - thể thao và phân cấp lĩnh vực y tế thuộc phân cấp quản lý nhà nước về văn hoá – xã hội.

Theo đó, phương án phân cấp mới trong lĩnh vực văn hoá - thể thao sẽ chuyển giao 4/16 di tích hiện thành phố đang quản lý cho các quận huyện và chuyển 8 di tích do quận, huyện quản lý về thành phố quản lý. Theo các đại biểu, vấn đề này là không cần thiết bởi khi các quận huyện đã quản lý tốt các di tích sẽ không nhất thiết phải bàn giao cho thành phố quản lý; các di tích thường gắn liền với truyền thống của các địa phương, vì vậy để các quận huyện quản lý sẽ hợp lý hơn.

Về phân cấp trong lĩnh vực y tế, tất cả các quận huyện đều đề nghị được giao quản lý Trung tâm y tế quận/huyện (bao gồm cả phòng khám đa khoa quận/huyện, nhà hộ sinh, trạm y tế phường/xã). Tuy nhiên, việc phân cấp này không phù hợp với quy định về cơ cấu tổ chức của ngành y tế ở địa phương theo hướng dẫn của liên bộ Y tế - Nội vụ. Để giải quyết vấn đề này, đề nghị trong quy định phân cấp vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành, còn việc giao cho các quận/huyện quản lý Trung tâm y tế quận/huyện sẽ được thể chế bằng hình thức uỷ quyền.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Phí Thái Bình hoan nghênh đóng góp của các đại biểu và cơ bản đồng ý với phương án phân cấp quản lý một số lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015. Phó Chủ tịch cho rằng, phân cấp là để triển khai có hiệu quả các chủ trương, cơ chế chính sách của thành phố, vì thế, lĩnh vực nào quận, huyện đảm nhiệm tốt thì duy trì phân cấp; nếu bất hợp lý phải điều chỉnh, liên quan đến quy định của Trung ương thì kiến nghị điều chỉnh cho phù hợp.

Riêng về 2 phương án phân cấp lĩnh vực văn hoá - thể thao và phân cấp lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch chỉ đạo sau cuộc họp này, các sở, ngành liên quan và các quận, huyện của thành phố sẽ có cuộc họp cụ thể để thống nhất phân cấp cho đồng bộ sau đó sẽ trình lại lên UBND TP trước khi đưa ra tại kỳ họp HĐND lần thứ 22.

Qua buổi thảo luận, quan điểm chung được tập thể UBND TP thống nhất là dù theo nguyên tắc nào, cần đảm bảo tính đồng bộ giữa phân cấp kinh tế xã hội và phân cấp nguồn chi, nhiệm vụ chi, trong đó đặc biệt đảm bảo tính hệ thống, chức năng phối hợp tốt ở các lĩnh vực như quản lý đô thị, quản lý hè, đường, chiếu sáng công cộng, điện nước, hệ thống thuỷ lợi, y tế, phòng chống dịch bệnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp quản lý: khắc phục bất cập, tăng đồng bộ, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.