(HNM) - Theo quy định của pháp luật, ai cũng có quyền ngăn chặn các hành vi phạm tội. Và tất nhiên, ai cũng có quyền... cảnh giác, quyền... phát hiện tội phạm. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiều người, với cái đầu
Chiều 6-3, ông Nguyễn Văn Ba, làm xe ôm, ở khu An Trang, xã An Đồng, huyện An Dương (Hải Phòng) bị một số người dân vu cho có ý định bắt cóc một bé gái 10 tuổi và lao vào đánh. Khi nạn nhân được đưa đến trạm y tế xã để sơ cứu vết thương, tin đồn bắt cóc trẻ em loang ra, gần một nghìn người dân trong xã đã bao vây đòi "xử". Một số đã lao vào, lôi ông Ba ra đánh tàn nhẫn.
Trả lời báo chí sau đó mấy ngày, Trưởng Công an huyện An Dương khẳng định từ trước đến nay, ở đây chưa xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào. Tất cả chỉ là tin đồn.
Sự việc thương tâm này gợi nhớ lại một vụ khác. Trước đó, vợ chồng anh Trần Văn Phương, trú ở phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh (Hải Phòng) khi đi qua huyện An Dương, cũng bị một số người... cho là "dám bắt cóc trẻ" nên hô hào nhau dùng gậy, gạch, đá đánh không thương tiếc.
Những vụ việc tương tự xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều trường hợp, người dân, với cái đầu nóng và rỗng kiến thức về pháp luật, đã đánh đập không thương tiếc cả kẻ phạm tội lẫn người lương thiện do "cái mặt thấy ngờ ngờ".
Theo quy định của pháp luật, bất cứ người dân nào cũng có quyền ngăn chặn hành vi phạm tội. Xử lý thế nào lại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Vụ việc ông Ba đang được các cơ quan hữu trách củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật. Tuy nhiên, còn hàng trăm vụ việc khác? Hiếm khi thấy "kẻ đánh hôi", "đánh hội đồng" khiến nạn nhân thương tích trầm trọng, thậm chí tử vong bị xử lý nghiêm minh. Và điều quan trọng nhất, làm thế nào để những vụ việc như thế không còn tái diễn?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.