Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải xây dựng khung pháp lý chặt chẽ

Khánh Khoa| 07/06/2010 06:45

(HNM) - Các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng như xăng pha aceton, nước tương nhiễm chất độc, gian lận trong đo lường, buôn bán mỡ thối... bị phát hiện thời gian qua cho thấy, người tiêu dùng đang ở trong môi trường không an toàn. Đáng nói hơn, những nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng dường như bị hạn chế do bất cập trong quy định của pháp luật.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ là hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ người tiêu dùng. Ảnh: Khánh Nguyên

Mức độ không an toàn gia tăng
Các vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ. Hàng loạt vụ việc vi phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người tiêu dùng được phát hiện như xăng có pha aceton, nước tương nhiễm chất 3-MCPD, gian lận xăng dầu, hay gần đây là việc phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh mỡ động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ… không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người tiêu dùng. Thống kê của Bệnh viện K cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 77.457 ca mới mắc bệnh ung thư, trong đó 80% là do môi trường sống và chỉ có khoảng 5% là do gien di truyền. Một thống kê khác cũng rất đáng chú ý, từ năm 2004 đến năm 2008 cả nước có 1.634 vụ ngộ độc thực phẩm với 23.894 người bị mắc và 321 người tử vong.

Theo khảo sát của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân khoảng 5%, số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm. Mới đây, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức tổng kiểm tra và công bố kết quả, có tới 28% cơ sở kinh doanh có sai phạm về đo lường (có nơi sai số gần 10%), 17% cơ sở vi phạm về chất lượng. Những con số trên mới chỉ phản ánh được phần nhỏ thực trạng xâm hại quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Hay nói cách khác, người tiêu dùng đang phải sống trong môi trường mà mức độ không an toàn có xu hướng gia tăng.

Nhiều quy định không phù hợp thực tế
Báo cáo trước Quốc hội do Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng trình bày thừa nhận, các quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng có nhiều bất cập và không phù hợp với thực tiễn và khó thực hiện. Pháp lệnh Bảo vệ người tiêu dùng mới chỉ dừng lại ở việc ghi nhận các quyền của người tiêu dùng một cách chung chung mà chưa có những cơ chế cụ thể để thực thi các quyền này. Từ đó dẫn đến việc người tiêu dùng e ngại, không muốn khiếu nại, khởi kiện ra tòa khi quyền lợi bị vi phạm. Lợi dụng điều này, nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh xem nhẹ, thiếu ý thức coi trọng pháp luật về bảo vệ quyền của người tiêu dùng.

Tính trong một năm (2008), lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và xử lý hơn 18.500 vụ sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, cũng theo cơ quan này, mức xử phạt không tương xứng với lợi nhuận mà doanh nghiệp thu được từ hành vi vi phạm, do đó có thực tế là nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt để vi phạm.

Loại bỏ dần các doanh nghiệp vi phạm
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng sẽ hướng tới mục tiêu bảo đảm sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Người tiêu dùng luôn là bên thiếu thông tin, đặc biệt là các thông tin và kiến thức liên quan đến đặc tính kỹ thuật của sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng thông thường ít có cơ hội đàm phán, thương lượng trong quan hệ với tổ chức, cá nhân kinh doanh. Do đó, pháp luật cần có các quy định đặc thù để bảo đảm sự cân bằng trong các quan hệ này, qua đó góp phần ổn định trật tự xã hội, bảo vệ lợi ích chung của xã hội. Khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng được ban hành, sẽ là khung pháp lý để bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các văn bản pháp luật bảo vệ người tiêu dùng cũng sẽ hướng tới sử dụng chính sức mạnh của thị trường để loại bỏ các doanh nghiệp có hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng, từ đó ngoài việc bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng còn hướng tới bảo vệ các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý, hiện nay nhiều phương thức kinh doanh hiện đại ra đời và đang phát triển như bán hàng đa cấp, bán hàng trực tuyến... Không hiếm các trường hợp doanh nghiệp sử dụng thị trường Việt Nam làm nơi tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng tồn kho, hàng có chỉ dẫn địa lý gây nhầm lẫn hoặc trực tiếp tiến hành các biện pháp khuyến mãi, quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng Việt Nam…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải xây dựng khung pháp lý chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.