(HNMCT) - Việc trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú luôn được công chúng đặc biệt quan tâm, trước các kỳ xét tặng thường có nhiều ý kiến về việc nghệ sĩ nào đó xứng đáng hay chưa. Tuy nhiên, “sân chơi” nào cũng có những quy định riêng cần phải tôn trọng.
Bức xúc thay?
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân. Trong danh sách xét tặng NSND không có một số nghệ sĩ nổi tiếng như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ, anh em “hoàng tử xiếc” NSƯT Quốc Cơ và NSƯT Quốc Nghiệp... Ngay lập tức, trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều ý kiến bức xúc, cho rằng việc xét chọn danh hiệu hiện nay chưa thật sự công bằng.
Những ý kiến này không phải là không có lý bởi có những nghệ sĩ “trượt” danh hiệu đều là người tài năng, được đông đảo công chúng yêu mến. Một facebooker nổi tiếng viết: “Với NSƯT Lê Thiện, Quốc Cơ, Quốc Nghiệp thì chẳng cần bất cứ một sự so sánh nào hết. Bởi, họ xứng đáng được tôn vinh với một vị thế tương xứng, không chỉ vì tài năng, sự khổ luyện, lòng tận tâm bền bỉ mà từ đó, đông đảo công chúng đón nhận họ”. Hai nghệ sĩ xiếc Quốc Cơ, Quốc Nghiệp không chỉ chinh phục khán giả trong nước mà còn chinh phục khán giả thế giới với nhiều thành tích như: Lập 3 kỷ lục Guinness thế giới, lọt Top 5 cuộc thi Britain’s Got Talent (Chương trình thi tìm kiếm tài năng Anh quốc) năm 2018... Với những thành tích đáng tự hào đó, họ xứng đáng có được danh hiệu NSND cao quý.
Tuy nhiên, việc xét danh hiệu lại căn cứ vào các quy định hiện hành. Trả lời báo chí, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt, Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua - Khen thưởng (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho hay: “Với danh hiệu NSND, ngoài việc xét theo giải thưởng, huy chương thì còn được xem xét theo 4 tiêu chí của Điều 8 Nghị định 40/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 89/2014/NĐ-CPNĐ về xét tặng danh hiệu. Đối với nghệ sĩ không có giải thưởng thì phải xét xem có quá trình cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, có sức ảnh hưởng trong từng loại hình nghệ thuật. Sau khi thảo luận, Hội đồng tiến hành bỏ phiếu kín và kiểm phiếu tại chỗ. Kết quả bỏ phiếu thì các nghệ sĩ này “đều không đạt trên 80% số phiếu của hội đồng”.
Còn nhớ ở các kỳ xét tặng trước, dư luận cũng nhiều lần lên tiếng về việc nghệ sĩ này, nghệ sĩ kia xứng đáng mà không được xét tặng. Nguyên nhân thì có nhiều, chẳng hạn như không làm hồ sơ; có những nghệ sĩ nổi tiếng nhưng không đủ tiêu chí về huy chương hay thiếu về số năm hoạt động chuyên nghiệp như trường hợp của Quốc Cơ, Quốc Nghiệp, hoặc không đủ số phiếu… “Sân chơi” nào cũng có quy định riêng. Việc tuân theo những tiêu chí, quy định đã đề ra giúp cho sân chơi ấy đảm bảo khách quan, công bằng.
Danh hiệu là mục tiêu phấn đấu suốt đời
Trái với sự “bức xúc thay” của một số người trên mạng xã hội, người trong cuộc lại khá bình thản. Theo NSƯT Quốc Cơ, anh nghĩ mình bị trượt vì có những người xứng đáng hơn. Tuy nhiên, anh vẫn tin tưởng: “Sự nghiệp xiếc của chúng tôi còn dài, không cống hiến những tiết mục xiếc hay thì chúng tôi sẽ chuyển qua huấn luyện. Nếu đồng nghiệp, khán giả ủng hộ thì tôi hy vọng trong những lần tới sẽ có tên chúng tôi”. Còn NSƯT Lê Thiện cho rằng, dù là NSƯT, NSND hay không có danh hiệu thì vẫn cần làm nghề theo đúng cái tâm, đúng đạo đức và phục vụ được công chúng.
NSND, NSƯT đều là danh hiệu cao quý đối với người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Người nghệ sĩ muốn được trao danh hiệu thì phải có một quá trình rèn luyện cả về tài năng nghề nghiệp lẫn phẩm chất đạo đức theo những tiêu chí cụ thể. Có những tiêu chí chỉ mang tính chất kỹ thuật như sự đầy đủ về hồ sơ, hay thâm niên công tác… Do vậy, việc nghệ sĩ có được danh hiệu ở thời điểm này hay chưa không phải là thước đo để đánh giá nghệ sĩ đó có xứng đáng hay không. Đúng như NSND Kim Cương chia sẻ: Danh hiệu lớn nhất đối với người nghệ sĩ là lòng tin yêu của khán giả. “Hữu xạ tự nhiên hương”, nhiều nghệ sĩ xưa kia cũng đâu có danh hiệu, huy chương nào nhưng tới giờ khán giả và nghệ sĩ vẫn nhắc, vẫn quý trọng và thương yêu. Có danh hiệu như được “gắn thêm hoa”, là động lực để nghệ sĩ cố gắng nhiều hơn, chứ không phải không đạt danh hiệu NSND, NSƯT rồi chán nản, bỏ nghề, buông xuôi...
Ngày nay, trình độ thưởng thức của khán giả ngày càng cao, chỉ những nghệ sĩ thực sự tài đức mới có thể thuyết phục được họ. Và những nghệ sĩ ấy, dù có hay không có danh hiệu thì họ vẫn được công chúng đón nhận, tôn vinh. Đó mới là cái đích lớn nhất của người nghệ sĩ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.