Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu

Hồng Sơn| 24/04/2018 06:35

(HNM) - Ngày 23-4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị toàn quốc về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu năm 2018. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, chỉ đạo hội nghị.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tại hội nghị về giải pháp tổng thể thúc đẩy xuất khẩu. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đang có sự chuyển dịch thành công, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt tỷ trọng hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2017, tăng 61% so với năm 2011. Ngược lại, tỷ trọng nhóm hàng nông nghiệp và khoáng sản, nhiên liệu giảm dần. Đến nay có 28 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD. Xuất khẩu khẳng định vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ đang thực hiện các giải pháp tăng cường xuất khẩu hàng hóa. Theo đó, Bộ đưa ra 3 nhóm giải pháp chủ yếu gồm: Nhóm giải pháp tác động vào phía cung, với định hướng sản xuất gắn liền với xuất khẩu, bảo đảm các tiêu chuẩn khắt khe từ phía nhà nhập khẩu... Tiếp theo là nhóm giải pháp từ phía cầu như đàm phán mở cửa và phát triển thị trường, tăng cường hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tháo gỡ khó khăn trong thông quan, thanh toán cũng như nguồn vốn cho sản xuất hàng xuất khẩu. Cuối cùng là nhóm giải pháp hỗ trợ, tác động và khâu tổ chức xuất khẩu, kết nối cung - cầu.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, muốn tăng trưởng nhanh, bền vững thì phải theo dõi, ứng phó tốt với diễn biến thị trường thế giới; từ đó đặt ra yêu cầu về sản xuất, chế biến nhằm mục tiêu xuất khẩu.

Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tại hội nghị, nhất là từ phía các hiệp hội, ngành hàng, nhà sản xuất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu bật vấn đề tồn tại nổi cộm cản trở tăng trưởng xuất khẩu chính là thể chế pháp luật và cải cách thủ tục hành chính. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng cho rằng không chỉ sửa đổi trong phương thức quản lý, tạo môi trường thông thoáng mà còn phải sửa đổi khuôn khổ pháp lý, chính sách thuế, văn bản quản lý ngoại thương… để khuyến khích xuất khẩu. Ngoài việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, cần thúc đẩy cơ chế "một cửa quốc gia", "một cửa ASEAN", ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, trao đổi chứng từ thương mại, thủ tục hàng hóa, thông quan… tránh cách làm thủ công, dễ phát sinh tiêu cực và thuận tiện cả cho doanh nghiệp và cơ quan nhà nước. Phải bám sát vào những vấn đề đang nóng hổi trong cuộc sống để xây dựng, tháo gỡ thể chế và pháp luật, Thủ tướng chỉ đạo.

Liên quan đến chi phí, Thủ tướng phân tích, chi phí cao thì khó cạnh tranh, trong khi cạnh tranh chính là bản chất của kinh tế thị trường. Do đó, việc giảm chi phí ở mọi khâu như: Logistic, vốn, thủ tục, tiền lương và đặc biệt là chi phí “gầm bàn”, chi phí không chính thức… là rất quan trọng và cần được tiến hành ở mọi địa phương, bộ, ngành.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương, cơ quan hữu quan phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu; theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường quốc tế, dự báo tốt và kịp thời cung cấp thông tin, nhu cầu thị trường quốc tế cho doanh nghiệp, tránh bị động; ứng phó kịp thời với rào cản thương mại cũng như các động thái bảo hộ sản xuất trong nước từ phía nước ngoài.

Đối với khâu quản lý chất lượng sản phẩm, nhắc đến những trường hợp gian dối trong sản xuất thực phẩm, hàng hóa gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ đây là “mấy con sâu làm rầu nồi canh”, làm ảnh hưởng đến chất lượng chung của hàng hóa trong nước. Thủ tướng yêu cầu điều tra, khởi tố, xử lý nghiêm các vụ việc bức xúc mới đây như: Vụ “cà phê pin” hoặc vụ “thuốc chữa ung thư bằng than tre” hoặc như hành vi bơm chất độc vào tôm và các sản phẩm nông nghiệp. Cần tạo nên phong trào cách mạng trong quần chúng nhân dân, phòng, chống những việc làm gian dối trong sản xuất và xuất khẩu... 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải thay đổi tư duy chiến lược và hành động mau lẹ về xuất nhập khẩu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.