Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải minh bạch trong xét xử

Hà Phong| 27/10/2015 05:42

Ngày 26-10, Quốc hội thảo luận lần cuối về dự thảo Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi) trước khi được các đại biểu (ĐB) biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp. Thế nhưng vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh một số đề xuất của Ban soạn thảo.

Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội Phạm Huy Hùng phát biểu ý kiến tại phiên họp toàn thể ngày 26-10. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN


Theo quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cần trao cho Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) quyền tham gia cho ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự. Tuy nhiên, có ĐB cho rằng, đây là việc không cần thiết.

Băn khoăn vai trò của Viện kiểm sát

Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết: Trên cơ sở cân nhắc ý kiến của các cơ quan liên quan và tình hình thực tế, UBTVQH đề nghị tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự như quy định tại Điều 39 của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) hiện hành và dự thảo BLTTDS (sửa đổi) đã trình Quốc hội kỳ họp thứ chín. Đồng thời, để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND và quy định của Hiến pháp năm 2013, UBTVQH đề nghị, tại mỗi phiên xét xử án dân sự, sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp, kiểm sát viên có quyền phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, hội đồng xét xử, thư ký tòa án và của người tham gia tố tụng dân sự trong quá trình giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm hội đồng xét xử nghị án.

Về thẩm quyền xác minh, thu thập chứng cứ của VKSND, UBTVQH cho rằng, VKSND là cơ quan kiểm sát hoạt động tư pháp, VKSND không thực hành quyền công tố, không khởi tố vụ việc dân sự, không chủ trì thực hiện bất kỳ một giai đoạn tố tụng dân sự nào như TAND nên việc quy định VKSND thu thập chứng cứ là không phù hợp. Như vậy, khác với bộ luật hiện hành, dự thảo không quy định thẩm quyền này của VKSND.

ĐB Trần Ngọc Vinh (Đoàn Hải Phòng) đồng tình với đề xuất nêu trên và cho rằng: "Diễn biến các phiên xét xử cho thấy, sự tham gia của VKSND thể hiện rõ quan điểm xử lý các vi phạm, không ảnh hưởng gì đến tính độc lập, khách quan trong xét xử". Tuy nhiên, ĐB Trần Hồng Hà (Đoàn Vĩnh Phúc) dẫn chứng, trong tố tụng dân sự, VKSND không thực hiện quyền công tố mà chỉ thực hiện chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp. Do đó, cần xác định VKSND là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc dân sự, không xác định VKSND là cơ quan tiến hành tố tụng. ĐB đề nghị kiểm sát viên không phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án.

Người dân được tư vấn, trợ giúp pháp lý góp phần nâng cao hiểu biết chính sách pháp luật, giảm sức ép đáng kể đối với các cơ quan tư pháp.


Ở chiều ngược lại ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) đề nghị, đề cao hơn nữa vai trò của VKSND để tăng tính minh bạch trong xét xử. Thực tế, các ý kiến của VKSND không những giúp hội đồng xét xử có thêm cơ sở để tham khảo, đánh giá vụ án khách quan, đầy đủ, toàn diện mà còn hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị không cần thiết. Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, các lập luận sự tham gia của VKSND dễ gây chi phối lớn đến người khác là chưa toàn diện. Quá trình xét xử, tòa án căn cứ vào kết quả tranh tụng ở phiên tòa chứ không căn cứ vào riêng ý kiến của VKSND. Với những lý do trên, ĐB đề nghị VKS tham dự phiên tòa phải được phát biểu cả nội dung và hình thức. Không những thế, cần trao quyền thu thập chứng cứ cho VKSND để cơ quan này có cơ sở kháng nghị chính xác. "Nhiều vụ việc, người dân cung cấp chứng cứ không đủ, VKS thu thập chứng cứ để việc kháng nghị chính xác hơn, việc này cũng không cản trở hoạt động của tòa án" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền dẫn chứng.

Không để tòa án quá tải ảo

Đề phòng xu hướng việc gì người dân cũng khởi kiện ra tòa khiến tòa quá tải ảo trong công việc cũng là khuyến cáo của nhiều ĐBQH. Theo ĐB Nguyễn Bá Thuyền, Ban soạn thảo đề xuất, người dân có quyền yêu cầu tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp là quá chung chung, rất khó thực hiện. Thực tế, người dân khởi kiện, họ sẽ cho rằng mình hợp pháp, còn tòa án có lý lẽ của mình, hợp pháp hay không phải qua xét xử mới thấy được. Để hạn chế tình trạng khởi kiện tràn lan, Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị dự thảo luật cần quy định chặt chẽ quyền khởi kiện phải đi đôi với nghĩa vụ chứng minh. Điều đó có nghĩa đương sự phải cung cấp đầy đủ chứng cứ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của thông tin đưa ra thì tòa án mới xem xét thụ lý. Luật cũng cần xây dựng chế tài vật chất kèm theo để buộc đương sự phải chịu án phí trong trường hợp tòa bác đơn kiện.

Cũng có ý kiến cho rằng, để các vụ việc dân sự được giải quyết nhanh chóng, chỉ cần một trong hai bên có yêu cầu hòa giải, giải quyết được vụ việc thì không cần tòa án phải ra quyết định. Ngoài ra, giải quyết các vụ việc dân sự là thể hiện công lý được thực thi, không đẩy trách nhiệm về phía nhân dân vì chưa có điều luật áp dụng để từ chối giải quyết. Vì vậy, ĐB Huỳnh Nghĩa yêu cầu, tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều kiện để áp dụng. Đây là kim chỉ nam bảo vệ quyền con người, quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân. Trong quá trình xét xử, cần khuyến khích các thẩm phán bám sát yêu cầu xã hội, không máy móc trong giải quyết tranh chấp, mở đường cho việc hình thành án lệ, giúp tòa án cấp dưới có cơ sở vận dụng, giải quyết những vụ việc tương tự.

ĐB Chu Sơn Hà (Đoàn Hà Nội):
Không phải Viện Kiểm sát nhân dân nói thế nào, hội đồng xét xử quyết thế ấy

Lần họp Quốc hội này, chúng ta bàn đến rất nhiều bộ luật, luật có liên quan đến nhau. Tôi đề nghị, trước hết UBTVQH chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đối với 2 dự thảo Bộ luật Dân sự và BLTTDS (sửa đổi), tổng hợp ý kiến của đại biểu, xem xét kỹ để bảo đảm sự đồng nhất giữa 2 bộ luật này, một bộ luật về hình thức, một bộ luật về thủ tục.

Về vai trò VKSND, tôi đồng tình với ý kiến của ĐB Nguyễn Bá Thuyền. Giải quyết vụ án không phải là VKSND nói ra thế nào thì hội đồng xét xử quyết định như thế. Hội đồng xét xử phải lắng nghe tất cả ý kiến tranh luận trong phiên tòa đó để đưa ra một quyết định công bằng nhất. Ý kiến của VKSND chỉ là giúp cho các bên tham gia nghiên cứu, hướng đến sự công bằng cao hơn.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đoàn Đà Nẵng):
Thiếu chế tài hạn chế án hủy


Tôi cho rằng, BLTTDS hiện hành và dự thảo mới cho phép đương sự được quyền cung cấp chứng cứ ở bất kỳ giai đoạn tố tụng nào là chưa hợp lý. Vì trong thực tế có trường hợp đến khi mở phiên tòa thì đương sự mới đưa ra chứng cứ, làm cho tòa án lúng túng trong việc nhận định đánh giá chứng cứ, dẫn đến vụ án bị hủy nhiều lần qua nhiều cấp xét xử, mất thời gian, tiền bạc của Nhà nước và đương sự.

Để khắc phục tình trạng trên, tôi đề nghị luật cần quy định theo hướng buộc đương sự phải cung cấp chứng cứ trong một thời gian nhất định, tốt nhất là trước khi mở phiên tòa sơ thẩm, trừ trường hợp chứng minh đó là chứng cứ mới thu thập được.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải minh bạch trong xét xử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.