Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải là động lực cho người nông dân

Lê Hương - Lê Hoàng Anh| 20/05/2012 06:57

(HNM) - Kỳ họp thứ tư HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV đã thông qua một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2012-2016. Những chính sách này được coi là đòn bẩy, tạo sự đột phá cho phát triển nông nghiệp của Thủ đô trong thời gian tới. Để có cái nhìn sâu hơn về vấn đề trên, PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân.

Ảnh: Duy Quang


Đặc trưng của sản xuất nông nghiệp Hà Nội?

- Thưa ông, nếu không có sự đầu tư mạnh mẽ thì nông nghiệp Hà Nội khó có thể tạo ra sức bật mới, tăng năng suất, chất lượng nông sản hàng hóa, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa khu vực nông thôn và thành thị?

- Sản xuất nông nghiệp của Thủ đô 5 năm qua mới đạt mức độ tăng trưởng bình quân 3,4%/năm, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn mới tăng từ 5,7 triệu đồng lên 13 triệu đồng/năm. Đó là những con số rất có giá trị, nhưng khu vực nông thôn của Hà Nội cần phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới. Do đó cần phải đầu tư mạnh cho nông nghiệp, nông thôn.

- Hà Nội hiện có tới hơn 4 triệu người đang sống ở khu vực nông thôn. Sự phát triển của khu vực kinh tế này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển chung của toàn thành phố nhưng thực tế lại chưa được như vậy. Theo ông, đâu là những hạn chế của sản xuất nông nghiệp Thủ đô?

- Có thể khái quát một số vấn đề lớn, đó là sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, manh mún; vùng sản xuất tập trung chưa nhiều; sản phẩm nông nghiệp chủ yếu chưa qua chế biến nên giá trị và sức cạnh tranh thấp; hệ thống cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất.

- Những điều ông vừa nói cũng là những hạn chế chung của sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Nông nghiệp Thủ đô phải có những đặc trưng riêng. Nếu chúng ta xác định được những đặc trưng này thì mới có thể đưa ra những cơ chế đặc thù để phát triển sản xuất nông nghiệp Hà Nội?

- Có nhiều quan điểm, nhưng theo tôi nông nghiệp Thủ đô phải hội tụ đủ các yếu tố: năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, ứng dụng công nghệ tiên tiến và phù hợp với sự phát triển của đô thị. Song song với nó là phát triển nền nông nghiệp sinh thái, bền vững.

- Để phát triển nền nông nghiệp với những “định vị” như vậy là bài toán khó. Phải chăng như người ta vẫn nhận xét về nền nông nghiệp Việt Nam, khó khăn đầu tiên là trong tư duy, nhận thức của người nông dân?

- Không chỉ có vậy. Tôi lấy ví dụ, diện tích đô thị của Hà Nội chiếm khoảng 28,1%, còn lại 71,9% dành cho sản xuất nông nghiệp, trong đó được chia ra 3 vùng: vùng nêm xanh, các vùng xanh và vùng thực sự phát triển nông nghiệp. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì vùng nêm xanh lại có mật độ xây dựng vượt quá mức cho phép. Bên cạnh đó, số diện tích nằm trong vùng đệm giữa đô thị với vùng nông nghiệp còn nhiều; một số quận nội thành như Long Biên, Hoàng Mai vẫn còn nhiều diện tích có thể sản xuất nông nghiệp, nhưng lại rất nhỏ lẻ. Thực tế đó cho thấy, muốn phát triển sản xuất quy mô lớn ở một số nơi cũng rất khó…

Cần làm rõ khái niệm lao động nông nghiệp

- Câu chuyện của nông nghiệp Thủ đô chắc chắn cần phải được bàn trong các diễn đàn khác để tìm biện pháp giải quyết hợp lý nhất. Vậy còn chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), ông nghĩ sao khi có nhiều người lo ngại chúng ta đang mang mô hình của đô thị áp vào nông thôn, những đặc trưng của vùng nông thôn, của sản xuất nông nghiệp dường như đang dần phai nhạt?

- Suy nghĩ như vậy là chưa hiểu thấu ý nghĩa, mục tiêu và các biện pháp triển khai xây dựng NTM. Ở đây có 4 vấn đề lớn Hà Nội đang tập trung chỉ đạo thực hiện. Thứ nhất, yêu cầu các xã nông nghiệp phải xây dựng quy hoạch theo quy chuẩn. Tức là quy hoạch đó được thực hiện trên nền tảng vùng dân cư người dân đang sinh sống để quy hoạch thành làng, xã và các hạng mục như nhà văn hóa, khu vui chơi giải trí, khu nghĩa trang… nhưng quan trọng nhất là quy hoạch điểm dân cư nông thôn. Làm tốt khâu này thì sự phân bố của dân cư nông thôn sẽ gắn với quy hoạch. Thứ hai là tập trung dồn ô đổi thửa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thứ ba là giữ gìn bản sắc của khu vực nông thôn thông qua việc xây dựng quy ước làng văn hóa, gìn giữ nét đẹp truyền thống. Thứ tư là chuyển đổi cơ cấu lao động. Nếu làm đúng kịch bản, hướng dẫn thì bức tranh nông thôn vẫn đậm nét truyền thống đồng thời tạo điều kiện cho người dân có điều kiện sống tốt hơn.

- Nhưng những suy nghĩ lo ngại không phải không có cơ sở khi nhiều tiêu chí xây dựng NTM dường như còn chú trọng tới hình thức. Điển hình như việc xây dựng nhà văn hóa, xây dựng chợ… Chắc chắn tốn không ít kinh phí để đầu tư nhưng hiệu quả thực tế lại rất thấp. Ông nghĩ sao về điều này?

- Hiện nay mô hình xây dựng NTM đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương, có những xã do trung ương lựa chọn, có những xã do thành phố và các huyện lựa chọn. Bộ Tiêu chí Quốc gia khi áp vào từng địa phương cụ thể còn có những điểm chưa hợp lý. Vấn đề là phải nhanh chóng có những chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với thực tế.

- Trong 4 vấn đề Hà Nội đang tập trung chỉ đạo, theo ông có khâu nào gặp khó khăn?

- Đó là giảm tỷ lệ cơ cấu lao động nông nghiệp. Theo đúng tiêu chí của Trung ương đặt ra cho Hà Nội thì tối đa chỉ còn 20% lao động nông nghiệp, trong khi hiện nay bình quân con số này là 55%, có nơi tới 75-80%. Chỉ trong một thời gian ngắn phải giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp xuống còn 20%, có nghĩa là mục tiêu đặt ra phải chuyển đổi ít nhất 1-1,2 triệu lao động nông nghiệp sang làm việc khác.

- Đây là vấn đề mà chỉ riêng ngành nông nghiệp vào cuộc thì không thể giải quyết được?

- Đúng là như vậy! Nhưng tôi lại muốn đề cập một khía cạnh khác: Thế nào là lao động nông nghiệp? Chúng ta phải thống nhất được về khái niệm thì trên cơ sở đó mới có hướng giải quyết.

- Lao động nông nghiệp là một khái niệm rất rõ ràng! Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Không hẳn thế. Trên thực tế, người lao động nông nghiệp chỉ trực tiếp tham gia sản xuất khoảng 120 ngày, còn lại trên 200 ngày là làm các việc khác. Hơn nữa, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa khiến một bộ phận nông dân chuyển sang làm công nhân ở các trang trại chăn nuôi có còn gọi là lao động nông nghiệp nữa không? Trong xây dựng NTM có định hướng rất quan trọng đó là tạo điều kiện tốt nhất cho chủ DN hoặc chủ trang trại thành DN để gắn việc sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Nếu làm được như vậy, người nông dân sẽ có 4 lựa chọn, một là hoàn toàn trở thành công nhân cho chủ DN; hai là góp vốn, cổ phần với DN; ba là vừa góp tài sản vừa làm công nhân; bốn là bán toàn bộ phần đất cho DN. Với sự lựa chọn như vậy thì họ có còn được tính là lao động nông nghiệp không? Cần phải thống nhất khái niệm để đề ra biện pháp giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp theo tiêu chí.

Không có chuyện cào bằng, hỗ trợ đại trà

- Hiện nay, Hà Nội dành bao nhiêu ngân sách cho nông nghiệp thưa ông?

- Tổng số chi vào khu vực nông thôn theo báo cáo của Sở Tài chính chiếm khoảng 36-39% ngân sách thành phố, trong đó số chi trực tiếp cho cây trồng, vật nuôi… chiếm khoảng 4% (cả nước là 2,7%). Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị thành phố thay đổi cơ cấu đầu tư cho nông thôn hợp lý hơn.

- Một tin vui đối với bà con nông dân khi tại kỳ họp vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua hàng loạt chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp. Ông kỳ vọng như thế nào về những chính sách này, liệu nó có thay đổi được quan điểm và phương thức sản xuất của người nông dân hiện nay?

- Chính sách này gồm 6 nội dung. Dù chưa thể bao quát hết toàn bộ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời chỉ áp dụng từ nay đến năm 2016 nhưng nếu các nội dung nghị quyết này được thực hiện đồng bộ ở cơ sở thì cũng tạo nên một điểm nhấn quan trọng của ngành nông nghiệp. Ví dụ thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí để các địa phương thực hiện dồn ô đổi thửa. Cụ thể là hỗ trợ toàn bộ tiền đo vẽ bản đồ, kinh phí để các địa phương tổ chức hội họp, triển khai kế hoạch (1 triệu đồng/héc ta). Sau khi dồn ô đổi thửa xong, thành phố tiếp tục hỗ trợ 70% nguyên vật liệu để các địa phương xây dựng giao thông nội đồng, hệ thống kênh mương, bảo đảm tưới tiêu. Hay như việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, các tập thể, cá nhân khi mua máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy gieo hạt… thì sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất trong vòng 3 năm. Các tổ chức, hộ chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi lợn và chăn nuôi gia cầm công nghiệp được hỗ trợ 50% giá mua máy vắt sữa, máy thái cỏ, hệ thống làm mát chuồng trại…

- Nhưng như vậy là có cả khoản hỗ trợ kinh phí để… hội họp? Có nghĩa là tổ chức họp cũng được… tiền hỗ trợ?

- Không đơn giản đâu. Anh em chỗ tôi đã thống kê, có xã tổ chức tới 56 cuộc họp về dồn ô đổi thửa mà vẫn chưa xong. Tổ chức mỗi cuộc họp liên quan tới rất nhiều vấn đề, đặc biệt là công tác chuẩn bị cho những nội dung cụ thể đưa ra tại cuộc họp chứ đâu có mỗi chuyện… phong bì. Trước đây, rất nhiều nơi có điều kiện dồn ô đổi thửa nhưng chưa triển khai được vì thiếu kinh phí. Với sự hỗ trợ của thành phố, bây giờ các địa phương có đủ điều kiện thực hiện các khâu đo đạc bản đồ, thông báo cho người dân về quy hoạch, vị trí thửa ruộng, hạ tầng cơ sở bao gồm đường đi, lối lại, hệ thống kênh mương… giúp người dân thấy rõ được lợi ích của việc dồn ô đổi thửa để quyết tâm thực hiện.

- Có nhiều lợi ích thấy rõ nhưng bà con nông dân vẫn không thực hiện. Ví dụ điển hình là việc gieo sạ, vừa nhanh, vừa cho năng suất cao lại tốn ít công lao động, giảm chi phí, nhưng vận động rồi trình diễn mãi mô hình kỹ thuật mà bà con ta vẫn cứ cấy tay truyền thống.

- Tư duy, cách làm cũ không thể thay đổi trong một sớm, một chiều. Ngành nông nghiệp chúng tôi cũng cần quyết tâm hơn, bền bỉ hơn trong vận động bà con.

- Nhiều người vẫn hay nói về chuyện “con cá” và “chiếc cần câu”. Đối với nhiều vấn đề, cái thiếu bây giờ là “chiếc cần câu”. Phải chăng các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp mới chú trọng nhiều vào chuyện… “con cá”?

- Ở đây không có sự cào bằng, hỗ trợ đại trà. Chúng ta phải chọn những việc ưu tiên làm trước để tập trung đầu tư thông qua các cơ chế, chính sách nhằm tạo sự đột phá. Ví dụ như để khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún thì phải đẩy mạnh việc dồn ô đổi thửa. Làm xong chuyện đó mới hy vọng đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, ứng dụng khoa học công nghệ mới, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu…

- Bây giờ, ở đâu cũng thấy nói đến chuyện “vốn là đầu tiên”. Kinh phí là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là sử dụng vào việc gì, sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao nhất.

- Với chức năng, nhiệm vụ của mình chúng tôi đang cố gắng làm hết khả năng để tham mưu cho thành phố đưa ra các chính sách phù hợp, các hướng dẫn cụ thể nhằm khắc phục được những bất cập tồn tại, khuyến khích, hỗ trợ bà con nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Trước khi HĐND thành phố ban hành nghị quyết về vấn đề này, đã có nhiều cuộc hội thảo bàn sâu về những nội dung khuyến khích, hỗ trợ, cũng như định mức hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu căn cứ trên nguồn ngân sách của thành phố. Và mục đích quan trọng nhất là định mức khuyến khích, hỗ trợ đó phải thực sự tạo động lực, tạo tiền đề giúp người nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.

- Có một vấn đề quan trọng nữa trong thực thi nghị quyết này là phải bảo đảm sự công bằng trong việc thụ hưởng chính sách cho các địa phương cũng như các đối tượng nông dân.

- Đúng vậy. Không có sự công bằng sẽ khó có thể thực hiện thành công, dù chính sách rất thiết thực.

- Cảm ơn ông đã trao đổi với Hànộimới một cách cởi mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phải là động lực cho người nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.