(HNM) - Bức tranh về quản lý chuyên ngành hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) phác họa khá rõ nét.
Điển hình như mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa xuống còn 70 giờ đối với hàng xuất khẩu và 90 giờ với hàng nhập khẩu đã cơ bản đạt được, trừ thời gian thực hiện thủ tục kiểm dịch động vật. Đến nay, đã có 11 bộ, ngành; 28 cơ quan, đơn vị liên quan đã kết nối, thực hiện thủ tục 1 cửa ASEAN...
Tuy nhiên, công tác kiểm tra thông quan hàng hóa, cũng như vấn đề xử lý các thủ tục hải quan vẫn còn nhiều bất cập và cần tiếp tục được cải thiện. Cụ thể, việc vận hành cơ chế hải quan một cửa quốc gia, kết nối Tổng cục Hải quan với các bộ, ngành chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Trong đó, số thủ tục thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia còn rất nhỏ so với tổng số các thủ tục mà doanh nghiệp đang phải thực hiện. Đa số các cơ quan, đơn vị đều mới áp dụng điện tử một phần, vừa thực hiện thủ tục điện tử, vừa yêu cầu phải nộp hồ sơ giấy...
Doanh nghiệp cũng cho rằng chi phí phục vụ kiểm tra còn lớn trong khi kết quả kiểm tra lô hàng trước lại không được thừa nhận đối với lô hàng cùng loại khác nên vẫn phải tiếp tục kiểm tra; gây lãng phí thời gian và tài chính cho doanh nghiệp. Hiện, vẫn có 25% nhóm hàng chịu sự kiểm tra đồng thời của nhiều cơ quan, tức là trái ngược với mục tiêu giảm thiểu đầu mối kiểm tra của Chính phủ. Ngoài ra, việc tham vấn giá, định giá hàng hóa để tính thuế còn phức tạp, mang tính chất từ một phía là cơ quan quản lý nên chưa bảo đảm sự công bằng...
Đặc biệt, doanh nghiệp đề nghị cơ quan hải quan cần chủ động giảm thiểu mức độ rủi ro đối với hàng hóa. Đơn cử, nên mặc nhiên công nhận chất lượng của những sản phẩm, hàng hóa có thương hiệu nổi tiếng thế giới, bãi bỏ những khoản thu rất nhỏ mang tính máy móc nhưng làm mất nhiều thời gian của doanh nghiệp... Công tác quản lý hải quan đối với hàng xuất nhập khẩu cần bám sát một số tiêu chí quan trọng như tuân thủ định hướng hiện đại hóa, chủ động triển khai công tác hậu kiểm và bám sát thông lệ quốc tế. Từ đó, các cơ quan chức năng cần thường xuyên rà soát nhằm khắc phục hạn chế, bất cập và tiếp tục phải cải thiện tình hình.
Thực trạng đã rõ. Vấn đề còn lại là cần các cơ quan quản lý, ngành Hải quan có biện pháp giải quyết kịp thời...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.