Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải đồng bộ khi xây dựng

Hiền Lương| 16/07/2010 07:14

(HNM) - Việc thiếu trường mầm non, đặc biệt là bất cập giữa mầm non công lập và dân lập trên địa bàn TP đang trở nên bức xúc. Dư luận lại vừa xôn xao khi hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ xin học cho con tại Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân). PV Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về vấn đề này.

* Hà Nội có 827 trường mầm non, bảo đảm 1 đến 2 trường/phường
(HNM) - Việc thiếu trường mầm non, đặc biệt là bất cập giữa mầm non công lập và dân lập trên địa bàn TP đang trở nên bức xúc. Dư luận lại vừa xôn xao khi hàng trăm phụ huynh phải xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ xin học cho con tại Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân). PV Hànộimới đã trao đổi với ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về vấn đề này.

Các phụ huynh chờ nộp hồ sơ cho con em tại Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Khôi Ngô


- Xin ông cho biết vì sao ở Thanh Xuân Bắc lại xảy ra tình trạng lạ lùng: xếp hàng từ nửa đêm để xin học cho con như vậy?
- Phường Thanh Xuân Bắc có 3 trường mầm non, trong đó có 2 trường công lập, 1 trường tư thục. Số lượng học sinh trong độ tuổi và số trường bảo đảm theo yêu cầu. Nhưng năm nay có vướng mắc là Trường Mầm non Tràng An đang triển khai xây dựng mới thành 15 phòng học, nên tạm thời "sơ tán" sang Trường Thanh Xuân Trung khoảng một năm. Vì nơi học tạm không đáp ứng được điều kiện mong muốn của các phụ huynh, nên họ dồn về Thanh Xuân Bắc. Thêm nữa thành phố có chủ trương ưu tiên nhận các cháu 5 tuổi, nên trường Thanh Xuân Bắc nhận hết chỉ tiêu. Cộng thêm tâm lý cha mẹ học sinh có con, cháu 3-4 tuổi và độ tuổi nhà trẻ không muốn cho con học tại Trường Mầm non tư thục Tràng An và các nhóm lớp học tư thục trên địa bàn phường, nên dẫn đến tình trạng quá tải và xếp hàng như trên.

 - Không chỉ ở Thanh Xuân Bắc, tình trạng này có diễn ra ở một số nơi khác như Tây Hồ. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
- Hiện nay theo quy định của Nghị định 39 là không có trần học phí cho các trường dân lập. Có nơi chúng tôi nói đùa là trường tên ngoại nhưng chất lượng nội, giá vẫn ngoại, rất cao, nên phụ huynh không chấp nhận. Các trường công lập được nhà nước đầu tư, quan tâm nên các điều kiện rất tốt. Các trường ngoài công lập, các trường dân lập hiện nay có hai dạng: Một là các trường đi thuê địa điểm thì thường thiếu thốn cơ sở vật chật, manh mún nhỏ lẻ, không thu hút được học sinh; hai là các trường được nhà nước hỗ trợ đầu tư xã hội hóa thì thường đi theo hướng chất lượng cao, có mức thu học phí cao không phù hợp với người dân. Vì thế mà các phụ huynh đều cố gắng cho con vào công lập.

- Một số ý kiến phản ánh là có tình trạng "chạy" để được học trái tuyến. Ông có nhận xét gì?
- Hãy cho tôi biết chỗ nào có chuyện chạy chọt như thế. Bởi vì việc học trái tuyến chúng tôi chỉ đạo rất cẩn thận, bảo đảm vừa công khai, minh bạch, vừa được xét duyệt tập thể. Mỗi học sinh học trái tuyến đều do một hội đồng xét duyệt công khai, không thể có chuyện "chạy" được.

Các phụ huynh chờ nộp hồ sơ cho con em tại Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc. Ảnh: Khôi Ngô

- Theo ông vì sao có tình trạng mất cân đối giữa trường công lập và dân lập?
- Nguyên tắc quy hoạch mạng lưới phát triển trường học là mỗi phường có 1-2 trường mầm non công lập. Các khu đô thị thường thuộc một phường đã có đủ số trường công lập rồi. Nên mặc dù có đất xây dựng trường, nhưng chủ yếu là dành để xây dựng trường dân lập. Các trường này thường thu học phí cao, không phù hợp với khả năng chi trả của đa số người dân, nên đúng là có tình trạng bức xúc. Quan điểm chỉ đạo của chúng tôi là các cháu học sinh ở khu đô thị đó đều được học ở trường công lập, nhưng chỉ đáp ứng được tối đa số lượng các cháu 5 tuổi, nếu còn chỉ tiêu có thể nhận thêm. Các cháu 3-4 tuổi đành phải học ở các trường còn lại. Đây là lý do tạo nên sức ép của các trường công lập, nhất là những nơi có khu đô thị.

- Vậy còn tình trạng thiếu trường học ở các khu đô thị thì sao, thưa ông?
- Các khu đô thị không thiếu trường mà chỉ thiếu trường công lập. Nhưng cũng có một số khu đô thị xây dựng nhà ở trước, xây dựng trường sau, nên khi dân đến ở chưa có trường học. Chúng tôi đã kiến nghị thành phố chỉ đạo để các khu đô thị xây dựng đồng bộ cả nhà ở và trường học. Hiện nay Hà Nội có 827 trường mầm non, trong đó có 667 trường công lập. Số trường như vậy so với nguyên tắc mỗi phường có từ 1 đến 2 trường là bảo đảm. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường lớp mầm non của Hà Nội cũng cao hơn so với tỷ lệ huy động của toàn quốc.

- Tỷ lệ theo nguyên tắc đó rất cao, nhưng các trường lại không phân bố đồng đều, nên dẫn đến chuyện phải xếp hàng nộp hồ sơ. Xin ông cho biết quy hoạch hệ thống trường học hiện nay ra sao?
- Từ tháng 6-2009, Sở GD-ĐT được giao xây dựng quy hoạch, hiện nay đang tiếp tục thực hiện. Vấn đề ở đây không phải là thiếu trường mà do cơ chế chính sách đối với các trường ngoài công lập như thế nào cho hợp lý Hiện nay mới làm được một việc là bình đẳng trong bồi dưỡng giáo viên giữa công lập và dân lập. Chúng tôi đang kiến nghị Chính phủ, thành phố tạo điều kiện hỗ trợ về đất để các trường có cơ sở vật chất tốt hơn, đồng đều hơn. Sau đó có thể có chỉ đạo lập định mức thu học phí phù hợp thực tế.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải đồng bộ khi xây dựng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.