(HNM) - Sáng 18-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận tại hội trường dự án Luật Tố cáo. Nội dung nhận được nhiều ý kiến là việc có hay không xử lý đơn thư nặc danh? Hạn chế đơn thư nặc danh bằng việc bảo đảm an toàn cho người tố cáo và mở rộng chủ thể tố cáo là tập thể.
Xử lý hay không với đơn tố cáo nặc danh?
Ủng hộ quan điểm không xử lý đơn thư tố cáo nặc danh, ĐB Huỳnh Phước Long (Trà Vinh) phân tích, người tố cáo phải ghi rõ họ tên, địa chỉ, nội dung tố cáo và cung cấp đầy đủ tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung tố cáo để ràng buộc trách nhiệm trong trường hợp tố cáo sai, vu khống, bôi nhọ người khác. Như vậy, đơn thư nặc danh không nên xem xét vì người tố cáo dám làm mà không dám chịu, mặt khác, cơ quan xử lý phải mất nhiều thời gian, công sức xác minh nội dung tố cáo. Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Nương (Cao Bằng) nêu dẫn chứng, thống kê cho thấy, trong số đơn thư tố cáo cơ quan chức năng nhận được chỉ có 13% là tố cáo đúng, 28% tố cáo vừa đúng, vừa sai, còn lại là tố cáo sai. Nếu xem xét, giải quyết cả đơn thư nặc danh, có lẽ tỷ lệ tố cáo sai lớn hơn rất nhiều. ĐB Phạm Thu Hà (Đồng Tháp) đồng tình, không giải quyết tố cáo qua điện thoại, email (thư điện tử), fax hay đơn thư nặc danh vì trách nhiệm người tố cáo không rõ ràng, trong khi việc quản lý email, fax hay điện thoại chưa chặt chẽ. "Người ta có thể lập và dùng địa chỉ email nào đó gửi đơn tố cáo rồi bỏ không sử dụng, gây rối, bất lợi cho cơ quan có trách nhiệm, mà lại không biết người tố cáo sai ở đâu để xử lý trách nhiệm" - ĐB Hà nói.
Ngược lại, nhiều ĐBQH đặt vấn đề nên xem xét đơn thư tố cáo nặc danh nhưng nội dung rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, có cơ sở. ĐB Lưu Chi Lan (Vĩnh Phúc) nói, thực tế đơn thư nặc danh vẫn phổ biến là do nội dung tố cáo liên quan đến vấn đề nhạy cảm, sự việc có thật nhưng người tố cáo sợ bị trả thù, trù úm. Vì vậy, nếu nội dung rõ ràng, chứng cứ đầy đủ, cơ quan chức năng vẫn có thể xem xét. Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), qua điện thoại, người tiếp nhận chỉ cần hỏi người tố cáo vài câu là có thể biết nội dung tố cáo có cơ sở hay không. Nếu có cơ sở thì nên hướng dẫn người tố cáo làm đúng trình tự thủ tục và có trách nhiệm bảo đảm bí mật cho người tố cáo. Trong công tác quản lý hiện nay, việc có người mạnh dạn tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi vi phạm là rất đáng quý. ĐB Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) cũng đề nghị, đơn thư nặc danh có nội dung rõ ràng, chứng cứ sát thực, có thể xử lý theo hình thức thanh tra, kiểm tra cơ sở, cá nhân bị tố cáo.
Cần quy định rõ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo
Từ thực tế nhiều người tố cáo bị trù úm, trả thù, đa số ý kiến ĐBQH đề nghị luật phải quy định rõ trách nhiệm bảo vệ người tố cáo và bảo đảm bí mật cho người tố cáo. ĐB Huỳnh Ngọc Phước (Trà Vinh), ĐB Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đặt vấn đề, đơn tố cáo nặc danh, mạo danh nhiều là do việc bảo vệ người tố cáo và bảo đảm bí mật cho người tố cáo chưa được đề cao, chưa tạo ra sự yên tâm, tin tưởng. Thế nhưng, quy định như dự thảo luật còn chung chung, không khắc phục được những bất cập trên. Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh), thông tin tố cáo rò rỉ ra ngoài gây bất lợi cho người bị tố cáo cũng như người tố cáo thường từ khâu xử lý đơn thư, ít khi từ người tố cáo. ĐB Lê Văn Hưng (Hưng Yên) nêu, dự thảo quy định người tố cáo khi bị đe dọa thì phải báo cho người tiếp nhận giải quyết đơn tố cáo của mình. Sau đó, người tiếp nhận đơn tố cáo xem xét thông tin rồi mới thực hiện các biện pháp bảo vệ thì quá muộn. Hay quy định cơ quan công an có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo khi bị đe dọa là còn chung chung, chưa rõ ràng. Chưa kể, cơ quan công an còn phải xem xét thông tin do người tố cáo cung cấp có hợp lý hay không rồi mới áp dụng biện pháp bảo vệ sẽ gây lúng túng cho cơ quan công an, cũng như "đánh đố" người tố cáo. ĐB Hưng và các ĐB khác đề nghị luật phải quy định rõ ai là người có trách nhiệm bảo vệ? Biện pháp bảo vệ như thế nào? Trách nhiệm bảo mật của từng khâu từ tiếp nhận đến xử lý đơn tố cáo ra sao?
Nhiều ĐBQH cũng đề nghị người tố cáo có thể là cá nhân hoặc tổ chức, tập thể. Theo ĐB Nguyễn Đình Xuân, nhiều người ký nhiều đơn tố cáo có cùng nội dung hay nhiều người cùng ký một đơn tố cáo thì không khác gì nhau. ĐB Lưu Chi Lan (Vĩnh Phúc) nói, trên thực tế, mặc dù không cho phép tố cáo tập thể, song vẫn xuất hiện tình trạng khiếu kiện đông người khi nhiều người cùng bị ảnh hưởng. Vì thế nên mở rộng chủ thể tố cáo là tập thể có cùng quyền lợi. Nhất trí việc mở rộng chủ thế tố cáo nhưng ĐB Vũ Duy Hòa (Thanh Hóa) đề nghị bổ sung quy định cấm việc lợi dụng tố cáo tập thể để tụ tập gây rối.
Tăng cường xử lý vi phạm trong đo lường |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.