(HNM) - Tết đến Xuân về, khi thời tiết chuyển mùa thường tạo ra sự thay đổi về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế. |
Thêm vào đó, trong dịp lễ, Tết, sự gia tăng sử dụng thực phẩm và nhu cầu giao lưu, đi lại, tập trung đông người là cơ hội cho dịch bệnh có thể bùng phát và lây lan nhanh trong cộng đồng. Vì vậy, việc chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh là rất cần thiết. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
- Thưa ông, theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong những tháng đầu năm 2016 xuất hiện nhiều dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi. Ông có thể cho biết một số bệnh có nguy cơ bùng phát và xâm nhập vào nước ta hiện nay?
- Trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội năm 2016 sẽ tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp (cúm, sởi, thủy đậu...), các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa và bệnh do muỗi truyền. Hiện nay, tình hình dịch cúm gia cầm vẫn tiếp tục ghi nhận tại nhiều tỉnh, thành phố với các ổ dịch xuất hiện rải rác, chủ yếu ở hộ gia đình do chủng vi rút cúm A (H5N1) và cúm A (H5N6) gây ra.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng được coi là “điểm nóng” của các bệnh truyền nhiễm mới nổi bởi tập quán sống gần gia cầm, vật nuôi; chưa kể thói quen sinh hoạt, ăn uống (như ăn tiết canh động vật, thịt gia cầm ốm chết...) cũng là những nguy cơ tiềm ẩn làm gia tăng sự lây lan bệnh từ động vật sang người. Các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi như MERS-CoV tiếp tục ghi nhận tại khu vực Trung Đông; bệnh cúm A (H7N9) vẫn xảy ra tại Trung Quốc; các trường hợp nhiễm vi rút Zika do muỗi Aedes truyền gia tăng tại khu vực Châu Mỹ luôn có nguy cơ rất lớn xâm nhập vào nước ta. Vì vậy, chúng ta phải chủ động phòng chống nguy cơ lây lan dịch bệnh.
- Cục Y tế dự phòng đã có những biện pháp gì để chủ động phòng chống dịch bệnh trong dịp này?
- Cục đã thống nhất chỉ đạo các đơn vị y tế dự phòng tại các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt công tác kiểm soát dịch bệnh; tăng cường các hoạt động giám sát tại khu vực cửa khẩu, cộng đồng; tiếp tục thực hiện việc giám sát trọng điểm dịch cúm và hội chứng viêm phổi cấp tính (SARI) nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh, đặc biệt là các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch; tổ chức cách ly, quản lý kịp thời và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng.
Hai là phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám, chữa bệnh để nắm chắc tình hình bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nhập viện để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai các hoạt động vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế tối đa các bệnh lây truyền qua thực phẩm, ngộ độc thực phẩm.
Ba là phối hợp chặt chẽ với Chi cục Thú y thuộc Sở NN&PTNT các địa phương thường xuyên chia sẻ thông tin và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền về công tác phòng chống dịch bệnh. Bốn là chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng chống dịch; sẵn sàng các đội cơ động, tổ chức thường trực 24/24 giờ trong các ngày nghỉ lễ, Tết để kịp thời triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh.
- Vậy chúng ta đã có vắc xin phòng những bệnh truyền nhiễm nào?
- Trên thế giới hiện đã có gần 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng ngừa, gồm: lao, tả, bạch hầu, cúm B, viêm gan A, viêm gan B, cúm mùa, viêm não Nhật Bản B, sởi, quai bị, ho gà, pneumococcus, bại liệt, dại, rotavirus, uốn ván, viêm não tick-borne, thương hàn... Các vắc xin mới để phòng và điều trị các bệnh như: HIV, viêm gan C, ung thư, sốt rét, lao cũng đang được thử nghiệm hứa hẹn sẽ cho kết quả tốt. Hầu hết các loại vắc xin này cũng đã được sử dụng tại Việt Nam. Trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) miễn phí, Việt Nam cũng đang triển khai 10 loại vắc xin phòng 12 bệnh. Ngoài ra, một số vắc xin khác được tiêm chủng dưới hình thức dịch vụ như vắc xin dại, quai bị, thủy đậu...
Chủ động tiêm phòng
- Việc người dân không tiêm vắc xin trong chương trình TCMR mà đổ xô đi tìm nguồn vắc xin dịch vụ bằng mọi cách đã dẫn đến những hệ lụy khó lường. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?
- Điều đáng lo ngại nhất nếu nhiều người dân không đi TCMR sẽ khiến Việt Nam trở thành một cộng đồng miễn dịch yếu kém. Một số trường hợp chưa đi tiêm chủng mà không bị mắc bệnh là nhờ độ bao phủ rộng của chương trình TCMR quốc gia đã tạo nên “bức tường” vững chãi ngăn chặn dịch bệnh bùng phát và lây lan trong cộng đồng. Tuy nhiên, nếu vì thế mà chủ quan, không đi tiêm đầy đủ, tích lũy dân số không tiêm chủng đến một mức độ nhất định sẽ dẫn đến tình huống dịch bệnh bất ngờ xảy ra và lây lan nhanh chóng, để lại những hậu quả khôn lường cho xã hội. Chúng ta đã chứng kiến dịch sởi bùng phát vào năm 2013-2014; dịch bạch hầu ở Quảng Nam, ho gà tại Hà Nội trong năm 2015; đó là những bài học đáng tiếc vì bộ phận người dân chủ quan không đi tiêm chủng.
- Tác dụng nổi bật của chương trình TCMR thời gian qua là gì, thưa ông?
- Sau gần 30 năm triển khai chương trình TCMR quốc gia, chúng ta đã đạt những thành tựu lớn, được WHO đánh giá cao: Việt Nam đã thanh toán bại liệt vào năm 2000, loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005 và khống chế bệnh sởi thành công. UNICEF đã đánh giá: “Việt Nam là điểm sáng về TCMR”. Nhờ TCMR, mỗi năm tại nước ta có khoảng 1,2-1,3 triệu trẻ em được tiêm chủng miễn phí 11 loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em như bạch hầu, ho gà, sởi… đã giảm hàng chục đến hàng trăm lần so với trước khi triển khai chương trình này. Ngoài ra, kể từ khi có chương trình TCMR, có khoảng 43.000 trẻ em đã được cứu sống nhờ vắc xin. Thành công của công tác TCMR đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ, nâng cao sức khỏe trẻ em Việt Nam để đạt mục tiêu thiên niên kỷ.
- “Cơn sốt” tìm kiếm và chờ đợi tiêm vắc xin dịch vụ 6 trong 1 hay viêm phế cầu khuẩn, viêm não... tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vừa qua đang khiến nhiều trẻ em rơi vào “vùng trắng” nguy hiểm do không được tiêm vắc xin đầy đủ, đúng lịch. Theo ông, cần phải có biện pháp như thế nào để khắc phục tình trạng này?
- Việc thiếu những vắc xin trên cũng có ảnh hưởng lớn. Thứ nhất là làm cho các bà mẹ có tâm lý chờ đợi vắc xin dịch vụ để tiêm. Thứ hai, nếu tuyên truyền không tốt, tạo nên cơn sốt ảo, từ đó khiến các bà mẹ khác thấy rằng vắc xin dịch vụ này tốt và lại tiếp tục chờ. Tại thời điểm hiện nay chỉ có khoảng một lượng nhỏ vắc xin dịch vụ Pentaxim (6 trong 1) được nhập về để tiêm chủng cho trẻ.
Tất cả những trẻ đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc xin Pentaxim mà không có đủ vắc xin tiêm mũi tiếp theo theo lịch tiêm chủng cần phải đưa đi tiêm ngay vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) trong chương trình TCMR để thay thế, tránh hiện tượng trẻ không được tiêm đầy đủ, đúng lịch sẽ rất dễ mắc bệnh khi có dịch xảy ra. Tuy nhiên, để bảo đảm miễn dịch đồng bộ cho trẻ thì nên cho các cháu tiêm thêm 1 mũi vắc xin viêm gan B vì trong vắc xin Quinvaxem không có thành phần kháng nguyên này.
Trường hợp trẻ đủ 2 tháng tuổi hãy đưa cháu đến trạm y tế xã, phường hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ để được tiêm vắc xin Quinvaxem miễn phí ngay từ mũi đầu tiên. Như vậy vừa bảo đảm miễn dịch phòng bệnh tốt cho cháu vừa không phải chờ đợi đăng ký tiêm vắc xin Pentaxim rất vất vả.
Không để người dân mất niềm tin
- Tình trạng lộn xộn, xếp hàng để tiêm vắc xin dịch vụ cho thấy một bộ phận người dân chưa tin tưởng vào vắc xin trong chương trình TCMR quốc gia, đặc biệt là trong năm qua có một số trường hợp bị tai biến sau TCMR. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?
- Tôi xin khẳng định lại là trong năm qua có một số trường hợp phản ứng nặng hoặc tử vong là do trùng hợp ngẫu nhiên hoặc do cơ địa trẻ mà không liên quan đến vắc xin. Việc thay thế vắc xin là vấn đề chiến lược dựa trên cơ sở khoa học cũng như thực tiễn, đặc biệt là hiệu quả phòng bệnh. Đối với Việt Nam hiện nay, việc sử dụng vắc xin Quinvaxem trong chương trình TCMR vẫn đang phù hợp và duy trì được hiệu quả phòng bệnh. Vắc xin nào cũng có tỷ lệ phản ứng nặng nhất định vì tiêm vắc xin là quá trình đưa kháng nguyên lạ vào cơ thể, không có loại vắc xin nào đạt đến độ an toàn 100%. Các vắc xin dịch vụ nếu tiêm nhiều như vắc xin TCMR cũng không loại trừ các sự cố, tỷ lệ phản ứng như đã xảy ra với vắc xin của chương trình tiêm chủng quốc gia.
- Khi đi tiêm chủng, các bậc cha mẹ phải lưu ý những gì, thưa ông?
- Trước tiên, các bậc cha mẹ cần phải quan tâm con bạn có khỏe hay đang ốm, bị mắc bệnh gì mà có thể chống chỉ định hoặc tạm hoãn trong tiêm chủng hay không; con bạn đang bao nhiêu tuổi, có thể sẽ tiêm vắc xin gì trong đợt này. Khi đưa con đi tiêm cần mang sổ và phiếu tiêm chủng đầy đủ để được ghi chép, theo dõi lịch tiêm chủng của con mình; đồng thời chủ động thông báo về tình trạng sức khỏe của con mình như đang ốm, sốt, sinh non, tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng, có phản ứng mạnh với lần tiêm chủng trước và đề nghị được cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe của con trước khi tiêm.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý theo dõi, chăm sóc trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường sau tiêm chủng như phát ban, sốt cao (>39°C), co giật, quấy khóc kéo dài, khó thở, tím tái, li bì, lơ mơ, bú kém, bỏ bú... hoặc khi phản ứng thông thường kéo dài trên 1 ngày thì cần đưa ngay trẻ tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất.
- Ông có thể cho biết những cơ sở y tế hay bệnh viện nào có đủ chuyên môn để thực hiện tốt việc khám sàng lọc cho trẻ em nhằm tránh những rủi ro mắc phải khi tiêm chủng?
- Việc tiêm chủng hiện nay được tiến hành trên 11.000 cơ sở xã, phường, 100% các trạm y tế xã, phường đều sẵn có thuốc xử trí sốc. Hiện nay, Bộ Y tế đã có quy định các điểm tiêm chủng đều phải có cán bộ có chuyên môn được tập huấn đầy đủ thì mới được khám sàng lọc và những cán bộ này tốt nhất là bác sĩ, riêng các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa có thể là y sĩ. Bộ Y tế cũng ưu tiên việc tập huấn cho các cán bộ thuộc các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để bảo đảm việc khám sàng lọc, thực hiện tiêm chủng ngày một tốt hơn.
- Cục Y tế dự phòng có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng chống các bệnh truyền nhiễm nói chung và các chủng cúm gia cầm lây truyền sang người nói riêng trong mùa lễ hội đầu năm 2016?
- Đối với người dân, cần giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu…; hạn chế đến những chỗ đông người.
Đồng thời, người dân cần ăn uống đủ chất, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường dinh dưỡng, nâng cao sức đề kháng; ăn cân đối các nhóm dưỡng chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất; uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm; tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch; bảo đảm vệ sinh môi trường, giữ ấm nhà cửa; bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hằng ngày bằng nước muối. Khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời...
Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân cần nắm và tin tưởng vào các thông tin chính thống của ngành Y tế; không nên dựa vào các thông tin không chính xác, thiếu cơ sở khoa học của các trang mạng xã hội để hiểu sai về lợi ích, tác dụng của các loại vắc xin. Nếu mất niềm tin vào TCMR, lúc đó miễn dịch cộng đồng giảm xuống, dịch sẽ bùng phát, tất cả những ai không tiêm chủng đều có thể mắc bệnh.
- Trân trọng cảm ơn ông về nội dung đã trao đổi!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.