(HNM) - Những ngày qua, dư luận bức xúc trước việc di tích Ô Quan Chưởng - cửa ô duy nhất còn lại trong 5 cửa ô của Hà Nội xưa - sau trùng tu đã được
Tu bổ để chống xuống cấp
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là "Đông Hà Môn" cùng với Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác là 5 cửa ô danh tiếng của đất Hà thành. Ô Quan Chưởng được xây dựng vào năm Cảnh Hưng (1749) và được vua Gia Long cho xây dựng lại vào năm 1817. Cửa ô có lịch sử gần 300 năm này hiện vẫn còn một cửa chính và hai cửa nhỏ hai bên. Trên nóc cửa chính là một vọng lâu, tường phía trái có gắn một tấm bia khắc năm 1882, ghi lệnh của Tổng đốc Hoàng Diệu cấm lính sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại. Ô Quan Chưởng từng được cụ Hoàng Đạo Thúy ghi lại trong cuốn sách "Người và cảnh Hà Nội" là: "Trước khi Tây sang, tên Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) gây cơ sở ở đây... Khi Francis Garnier đánh thành thì một ông Chưởng Cơ, cùng một trăm chiến sĩ, đã giữ cửa này đến người cuối cùng".
Với những ý nghĩa lịch sử và văn hóa đó, năm 2009, Quỹ Bảo tồn văn hóa của Đại sứ quán Mỹ đã tài trợ 74.500 USD cho việc chống xuống cấp di tích Ô Quan Chưởng. Sau thời gian nghiên cứu, thảo luận, tháng 10 năm 2010, dự án được giao cho BQL di tích và danh thắng Hà Nội và Viện Nghiên cứu bảo tồn di tích (NCBTDT) của Bộ VH,TT&DL phối hợp triển khai. Những tưởng, với nguồn kinh phí đó, lại được những đơn vị chuyên ngành tổ chức việc trùng tu, Ô Quan Chưởng sẽ không chỉ được bảo vệ để chống xuống cấp mà còn lưu giữ được nét đẹp cổ kính. Thế nhưng, những hình ảnh hiện thời sau trùng tu của di tích Ô Quan Chưởng lại gây bức xúc trong dư luận. Đó là những hàng gạch mới vừa thay, đều đặn, chỉn chu, vuông thành, sắc cạnh, nhìn khác hẳn mấy hàng gạch cổ phía dưới; là lớp sơn quét màu nâu vàng bên ngoài các bờ tường trông như xây mới…
Lý giải cho tình trạng trên, ông Nguyễn Doãn Tuân, Trưởng BQL di tích và danh thắng Hà Nội cho biết: "Ô Quan Chưởng đã xuống cấp từ nhiều năm nay. Dự án Chống xuống cấp di tích Ô Quan Chưởng chỉ tập trung vào các hạng mục nhỏ, thay lại những cấu kiện không đúng với nguyên gốc, sửa lại những kiến trúc vật chất bị rêu phong ăn hỏng, lắp lại hai cánh cửa, lát đá phía bên trong cửa ô. Trong quá trình tu bổ, toàn bộ số gạch cũ không đúng niên đại đã được bóc ra, thay vào đó là gạch vồ, loại gạch dùng để xây Ô Quan Chưởng xưa được tìm thấy trong các đợt khai quật Thành cổ Hà Nội".
Còn ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện NCBTDT trả lời báo giới rằng: "Trong đợt trùng tu di tích Ô Quan Chưởng vào năm 1994, đơn vị thi công đã đưa một số gạch không đúng niên đại vào sửa chữa di tích. Trả lại cho di tích những gì vốn có, trong đợt trùng tu lần này, chúng tôi sử dụng loại gạch vồ để sửa chữa những phần đã bị thay thế, đồng thời lắp 2 cánh cửa gỗ tấm lớn ở cổng chính của Ô Quan Chưởng".
Không "trẻ" ra nhưng đã khác xưa
Nói về quy trình tu bổ di tích, ông Tuân cho biết thêm: Trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo một số ban, ngành của Bộ VH,TT&DL cũng đã xuống tận nơi để xem xét, chỉ đạo từ việc cần tu bổ những gì cho đến việc nên thay thế loại gạch nào cho phù hợp. Ông Tuân cũng nhấn mạnh rằng, khi tu bổ, tôn tạo di tích, có những chỗ bị hư hỏng nặng cần phải thay mới, nhưng không phải cứ thay mới nghĩa là làm mới di tích. Cuối cùng, ông khẳng định: Di tích Ô Quan Chưởng sau khi trùng tu không hề bị "biến dạng" hay giảm "niên đại". Tuy nhiên, ông Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện NCBTDT cũng thấy rằng, màu sơn mới của Ô Quan Chưởng chưa phù hợp. Ông cho biết: "Đơn vị thi công vẫn đang tìm cách pha chế màu sơn cho phù hợp hơn. Đây là công đoạn đòi hỏi kỹ thuật cao, nên không thể làm nhanh được".
Đồng ý là di tích Ô Quan Chưởng được tu bổ đúng quy trình và việc tôn trọng vật liệu gốc là cần thiết, song KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Hà Nội cho rằng, không dễ dàng để xác định đâu là vật liệu gốc xây dựng Ô Quan Chưởng bởi di tích đã qua nhiều lần trùng tu và cũng không có ai chứng minh được điều này. Theo ông, hình ảnh rêu phong của cửa ô duy nhất còn lại trên đất Hà thành từ lâu đã đi vào thơ ca, huyền thoại, đã đi vào ký ức của mỗi người dân Thủ đô. Vì thế, việc tôn trọng những hình ảnh đã để lại trong lòng công chúng khi tiến hành trùng tu mới là yếu tố quan trọng nhất. Để làm được như vậy, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, trước khi tiến hành trùng tu di tích Ô Quan Chưởng, lẽ ra các ngành chức năng phải lập dự án tổng thể, trên cơ sở đó đầu tư nguồn kinh phí thích đáng chứ không nên chỉ dùng nguồn vốn tài trợ để trùng tu. Theo ông, việc đầu tiên cần làm lúc này là phải trả lại không gian cảnh quan và làm lại màu sơn cho di tích.
Còn KTS Nguyễn Thúc Hoàng, Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam thì phân tích, dư luận bức xúc trước việc trùng tu di tích Ô Quan Chưởng chứng tỏ di tích có một vị trí đặc biệt trong lòng công chúng. Tôn trọng dư luận nhưng quan trọng hơn là các ngành chức năng phải vào cuộc nghiên cứu, phân tích, đánh giá về sự việc càng sớm càng tốt. Nếu công chúng hiểu chưa đúng cần giải thích lại, nếu đơn vị thi công làm sai thì phải đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời.
Có lẽ, di tích Ô Quan Chưởng lại phải chờ đợi những chỉnh sửa tiếp theo. Còn người dân Thủ đô chẳng thể nào quên hình ảnh một cửa ô rêu phong, cổ kính và luôn mong chờ các đơn vị có trách nhiệm trả lại cho Ô Quan Chưởng vẻ đẹp và giá trị xưa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.