(HNM) - Thời tiết mấy ngày gần đây dịu mát, nhưng tình trạng gia súc, gia cầm chết ngạt ở HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, xã Cổ Đông (Sơn Tây) vẫn tiếp diễn. Các cơ quan chức năng đã vào cuộc khẳng định nguyên nhân lợn, gà chết không phải do dịch bệnh, mà chủ yếu là do... thiếu điện!
Chăm sóc đàn lợn tại gia đình anh Phùng Văn Thâu, xã Cổ Đông (TP Sơn Tây). Ảnh: Bá Hoạt
Áp lực lớn
Trong vòng 3 tháng gần đây, trên 3.000 con lợn và khoảng 15.000 con gà ở HTX Cổ Đông lăn ra chết, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Văn Chiến, Chủ nhiệm HTX không giấu được vẻ ngao ngán: “Chúng tôi chăn nuôi lợn, gà theo công nghệ khép kín, chuồng trại tập trung. Hệ thống quạt phía dưới giúp chuồng trại luôn khô ráo, thoáng mát và tăng dưỡng khí. Bị mất điện, nhiệt độ trong chuồng trại tăng lên tới 50 - 600C, sau khoảng 1 giờ mà không được làm mát, lợn sẽ lăn ra chết hàng loạt, còn gà thì sức chịu đựng kém hơn nhiều”. Theo ông Chiến, lợn, gà bị chết chủ yếu do ngạt thở vì lượng các-bon-níc tăng quá mức cho phép. Vì thế, mất điện đồng nghĩa với việc ngăn cách tất cả với môi trường không khí.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, tình trạng cắt điện triền miên đối với các hộ chăn nuôi ở HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông diễn ra từ trung tuần tháng 5-2008, đến nay “như cơm bữa”. Theo thống kê của HTX 8 tháng đầu năm nay, ngành Điện đã 786 lần ngừng cấp điện (68 lần có thông báo, còn lại là đột xuất, không thông báo với HTX). Đầu năm nay, HTX đã ký hợp đồng với Điện lực (Hà Tây cũ) cung cấp đủ điện cho Khu chăn nuôi tập trung. Theo như các điều khoản hợp đồng mua bán điện giữa các bên, thì ngành Điện bảo đảm cung cấp đủ điện, nếu gây thiệt hại lớn sẽ bồi thường. HTX đã có đơn gửi đến ngành Điện nhưng vẫn chưa thấy hồi âm, điện vẫn bị cắt thường xuyên.
Nguy cơ phá sản
Không thể ngậm đắng nhìn đàn lợn, gà lăn ra chết, anh Nguyễn Văn Ngân, chủ trang trại nuôi hơn 5.000 đầu lợn và 90 hộ có trang trại chăn nuôi quy mô 72.000 đầu lợn/lứa và 30 trang trại nuôi gà ở khu Mỏ Chén chạy ngược xuôi mua máy phát điện làm mát để giảm bớt thiệt hại. Nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua, bởi chi phí đầu tư quá lớn. Không chỉ có vậy, các hộ chăn nuôi ở khu Mỏ Chén còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khác như việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng; chi phí thức ăn chăn nuôi tăng. Một số gia đình đã phải cầm cố cả nhà cửa, vườn tược, đất đai, tài sản để vay vốn tư nhân với lãi suất cao, tạm thời duy trì sản xuất; những hộ không vay được vốn đã phải bán tống, bán tháo lợn gà. Hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi của HTX không dám đầu tư thêm để sản xuất.
Hoàng Việt - Hữu Hoài
- Sau khi nhận được đơn thư của HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông, ngày 13-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có Công văn gửi UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng có liên quan về việc hỗ trợ cung cấp điện cho chăn nuôi. Theo đó, trước tình hình khó khăn thực tế nêu trên, Bộ NN&PTNT đề nghị thành phố Hà Nội quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành, nhất là ngành Điện, hỗ trợ cung cấp đủ điện cho HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông để giúp HTX ổn định sản xuất, tránh thiệt hại tiếp tục xảy ra. - Sau gần 4 năm đi vào hoạt động, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ Cổ Đông đã phát triển được 90 trang trại nuôi lợn, quy mô 72.000 đầu lợn/lứa và 30 trang trại nuôi 280.000 con gà ở Khu chăn nuôi tập trung Mỏ Chén. Ước tính, các hộ chăn nuôi đã đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trong đó vốn đi vay chiếm 70%, còn lại 30% là vốn của xã viên; doanh thu hàng năm đạt trên 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.