(HNM) - Cuối tháng 11, hãng hàng không danh tiếng của Mỹ là American Airlines và công ty mẹ của hãng này là AMR Corp đã buộc phải nộp đơn xin bảo lãnh phá sản chiểu theo chương 11 trong Luật Bảo lãnh phá sản của Mỹ.
Hãng hàng không lớn thứ ba của Mỹ - American Airlines đệ đơn phá sản để tái cấu trúc. |
Tuy nhiên, đây chỉ là một bước trong kế hoạch tái cấu trúc của hãng. Theo thông báo của American Airlines, việc nộp đơn lên tòa án xin bảo lãnh phá sản là để có thời gian cơ cấu lại tổ chức, giãn nợ và đáo nợ. Mọi hoạt động của hãng, nhất là các chuyến bay, trong thời gian trước mắt vẫn được duy trì và ít gây ảnh hưởng tới khách hàng. Tuy nhiên, về lâu dài, hãng có thể sẽ bỏ các tuyến bay tới những địa điểm ít sinh lời. Việc đệ đơn xin phá sản có thể co hẹp quỹ lương hưu của khoảng 130.000 nhân công đang làm việc và đã về hưu của hãng. Cùng với đơn xin bảo lãnh phá sản để cơ cấu lại, hãng hàng không lớn nhất thế giới ở thời điểm năm 2008 này cũng thông báo rằng Tổng Giám đốc điều hành của American Airlines là Gerad Arpey đã từ chức và Chủ tịch của hãng là Thomas Horton sẽ tiếp quản cương vị này. Theo ông Thomas Horton, quyết định xin bảo lãnh phá sản là cần thiết để công ty hoạt động hiệu quả, tăng cường tiềm lực tài chính và sức cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang ảm đạm.
Thực tế với phi đội gồm hơn 655 máy bay các loại, American Airlines là hãng hàng không lớn duy nhất của Mỹ không nộp đơn xin bảo lãnh phá sản sau vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Tuy nhiên, do phải đối mặt với tình trạng nguồn tiền mặt liên tục sụt giảm, trong khi phí xăng dầu tăng cao cũng như việc phải trả chi phí lao động cao hơn nhiều so với hãng khác nên hãng hàng không lâu đời nhất của Mỹ quyết định đệ đơn xin bảo hộ phá sản. Trong hồ sơ xin phá sản, American Airlines liệt kê tổng tài sản 24,72 tỷ USD trong khi đó số nợ lên tới 29,55 tỷ USD. Từ năm 2001 đến nay, hãng này đã thua lỗ 10 tỷ USD. Quỹ tiền mặt của hãng liên tục sụt giảm và hiện chỉ còn 4,1 tỷ USD. Không như các hãng lớn khác, American Airlines không chấp nhận hợp nhất với các đối thủ và là hãng hàng không lớn duy nhất của Mỹ làm ăn thua lỗ trong năm 2010. Ngoài ra, trong suốt nhiều năm liền, American Airlines cùng tập đoàn mẹ bế tắc trong những cuộc thương thuyết không có kết quả với các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động. Theo quy định trong hợp đồng lao động của AMR, chi phí lao động của hãng này lớn hơn so với các hãng khác tới 600 triệu USD. Trong 5 năm qua, hãng này đã liên tục phải đàm phán với phi công về lương, thưởng. Các thỏa thuận giữa hãng với người lao động bị đổ vỡ vào tháng trước đã dẫn đến quyết định xin bảo hộ phá sản của AMR.
AMR từng là hãng hàng không lớn nhất thế giới nhưng lại trượt dốc thê thảm khi rơi xuống vị trí thứ 3 tại thị trường Mỹ sau những thất bại trong chiến lược giảm thiểu chi phí. AMR bị thua lỗ 162 triệu USD trong quý III-2011. Năm 2010, AMR Corp thua lỗ tới 2,7 tỷ USD trong khi các hãng hàng không lớn khác của Mỹ như United Continental, công ty mẹ của United Airlines (hãng hàng không lớn nhất thế giới) trong quý III-2011 lãi 653 triệu USD và US Airways lãi 76 triệu USD. Trong 16 quý gần đây, AMR Corp bị thua lỗ trong 14 quý liên tục. Đồng thời, AMR đã đứng ngoài "cuộc đua" sáp nhập trong khi các đối thủ khác rất thành công với chiến lược này. Điển hình là hãng United Continental và Delta đã phải sử dụng đến Chương 11 Luật Phá sản Mỹ để tái cơ cấu lao động và cắt giảm chi phí. Cuối cùng, sau khi sáp nhập, hai hãng trên đã trở thành tập đoàn hàng không lớn nhất Mỹ. Nhiều chuyên gia lấy làm tiếc cho AMR nhưng họ cho rằng đây là điều cần thiết cho hãng này trong hoàn cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.