Theo dõi Báo Hànộimới trên

Peru: Dữ dội làn sóng chống khai thác vàng

Kim Phượng| 09/12/2011 07:07

(HNM) - Ngày 4-12 vừa qua, Tổng thống Peru Ollanta Humala đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp tại 4 tỉnh Cajamarca, Celendin, Hualgayoc và Contumaza thuộc khu vực khai mỏ ở miền Bắc.

Hành động này nhằm đối phó với cuộc biểu tình kéo dài suốt 11 ngày qua của các nhà bảo vệ môi trường và người dân địa phương phản đối dự án khai thác mỏ vàng và khoáng sản Conga tại tỉnh Cajamarca trị giá 4,8 tỉ USD của Công ty khai mỏ khổng lồ Newmont Mining (Mỹ).

Trong một thông điệp công bố trên toàn quốc, Tổng thống Peru Ollanta Humala khẳng định, sẽ không khoan nhượng với những người biểu tình và cho biết, Chính phủ sẽ trao thêm quyền cho lực lượng an ninh để bảo đảm đường sá, trường học và bệnh viện có thể mở cửa trở lại sau nhiều ngày bị đóng cửa bởi các cuộc tuần hành và biểu tình. Tổng thống Ollanta Humala cũng nhấn mạnh, các bên cần phải thiết lập đối thoại để giải quyết xung đột. Với sắc lệnh sẽ có hiệu lực trong vòng 60 ngày, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ, Tổng thống Ollanta Humala sử dụng quyền hạn đặc biệt để giải quyết cuộc xung đột xã hội liên quan tới ngành khai mỏ của quốc gia Nam Mỹ này, nơi khoảng 200 vụ tranh cãi trên cả nước đang đe dọa gây thất thoát hàng tỷ USD nguồn thu từ các dự án khai mỏ và dầu lửa. Trước khi tình trạng khẩn cấp được ban bố, Thủ tướng Salomon Lerner đã có cuộc đàm phán nhiều giờ với lãnh đạo người biểu tình, những người cho rằng việc khai mỏ Conga có thể ảnh hưởng đến nguồn nước và gây ô nhiễm. Tuy nhiên cuộc đàm phán đã không thể đi đến một thỏa thuận.

Người biểu tình ở khu vực mỏ Conga. Ảnh: Internet

Trong khi đó, theo những người biểu tình, dự án mỏ Conga có thể làm ô nhiễm và thu hẹp các nguồn cung cấp nước tại 4 tỉnh trên, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng nghìn người sống tại đây. Vì vậy, họ đòi hỏi chính phủ thực hiện một cuộc nghiên cứu mới về tác hại môi trường bởi dự án mỏ này, dự kiến sẽ đi vào sản xuất năm 2015. Tháng 10-2010, Bộ Khai thác mỏ Peru đã đồng ý tiến hành nghiên cứu, song đến nay, chính phủ nước này vẫn chưa tỏ ra có ý định thực hiện. Hiện nay 25% tổng số lượng vàng trên thế giới đến từ các nước Mỹ Latin. Vì lợi nhuận rất lớn nên các công ty khai thác vàng tranh đua nhau đấu thầu, và song song là nạn khai thác vàng lậu. Cơn sốt vàng lan tràn từ Guatemala sang Argentina đi ngang qua các nước Peru, Colombia, Ecuador, Mehico, Chile và Brazil.

Từ nhiều thập kỷ qua, công nghệ khai thác vàng cũ kỹ đã gây ô nhiễm môi trường trầm trọng tại lục địa này, tàn phá hàng nghìn hecta rừng già, đặc biệt là vùng Amazon. Cách đây không lâu, vùng Madre de Dios của Peru là vùng rừng xanh có cây cối um tùm, nhưng nay nó đã biến thành một vùng sa mạc bùn lầy đầy các hố sâu. Nguyên nhân là vì mỗi ngày có tới hàng trăm nghìn người tới đây đào vàng. Mặc dù có sự báo động khẩn cấp của các tổ chức bảo vệ môi trường và quyền con người, nhưng số mỏ vàng được khai thác ngày càng gia tăng. Theo Ủy ban Môi sinh thuộc Hội Quặng mỏ quốc gia Peru mỗi năm nước này cung cấp 16.000kg vàng trị giá 6 tỷ USD. Với giá vàng lên cao, từ năm 2006 tới nay lượng vàng sản xuất đã gia tăng gấp 5 lần.

Phương pháp phổ biến nhất là khai thác lộ thiên đã tạo ra các miệng hố rộng không được hoàn thổ. Để tách vàng khỏi đá, người ta dùng phương pháp thủ công khi sử dụng thủy ngân pha nước với số lượng lớn: Hai kilôgam thủy ngân cho một kilôgam vàng. Sau đó chất thủy ngân chảy vào lòng đất và ngấm vào các mạch nước gây ô nhiễm theo nhiều con đường. Khi chảy xuống sông, thủy ngân được vi khuẩn đưa vào chuỗi thức ăn. Vì thế, các loài cá trên sông Amazon đang bị nhiễm thủy ngân nặng. Kinh khủng hơn, hàm lượng thủy ngân trong nước của nhiều con sông ở Peru đã vượt từ 3 đến 25 lần giới hạn cho phép. Vùng Madre de Dios đã hứng chịu 32 tấn thủy ngân mỗi năm vì có tới 16 tấn vàng/năm được khai thác ở đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Peru: Dữ dội làn sóng chống khai thác vàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.