(HNMO) - Ngày 28-4, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (VFF-CRT), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) đã tổ chức công bố trực tuyến Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Năm 2019, nghiên cứu PAPI đã khảo sát từ 14.138 công dân Việt Nam được lựa chọn ngẫu nhiên trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố. Giống như năm 2018, PAPI 2019 gồm 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; quản trị điện tử.
Theo báo cáo PAPI, trong năm 2019, cải thiện lớn nhất được ghi nhận ở lĩnh vực “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công”. Báo cáo PAPI 2019 cho thấy tác động rõ nét của chiến dịch phòng, chống tham nhũng lên cảm nhận của người dân về tham nhũng lớn và tham nhũng vặt. Lĩnh vực này cải thiện mạnh mẽ nhất trong năm 2019 ở cấp quốc gia và cấp xã, với tỷ lệ người dân cho biết tham nhũng giảm ở hai cấp này tăng 5% so với năm 2018.
Tuy điểm của chỉ số kiểm soát tham nhũng đã cải thiện, song vẫn còn tỷ lệ đáng kể (từ 20 đến 45%) người dân cảm nhận tham nhũng còn phổ biến trong một số dịch vụ công. Điều này cho thấy cần tăng cường nỗ lực kiểm soát tham nhũng trong những năm tới.
Cũng theo báo cáo PAPI, điểm số của lĩnh vực “thủ tục hành chính công” gần như không thay đổi và thậm chí đi xuống một chút trong năm 2019. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, Chính phủ ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia vào tháng 12-2019 đánh dấu một bước quan trọng trong định hướng đúng đắn này. Trong thời gian dịch Covid-19, sự quan tâm của các nhà lãnh đạo và người dân đối với việc sử dụng cổng thông tin trực tuyến đã tăng lên đáng kể. Điều này dự kiến sẽ làm thay đổi điểm số của lĩnh vực quản trị điện tử trong thời gian tới.
Đáng chú ý, nghèo đói, lao động, việc làm, môi trường tiếp tục là những vấn đề nhiều người dân quan ngại. Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, người dân tham gia khảo sát phản ánh chất lượng không khí giữ nguyên hoặc giảm đi.
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, việc nghiên cứu, phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở mà còn là chỉ báo về hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Theo công bố, tổng số điểm Chỉ số PAPI năm 2019 của Hà Nội đạt 41,54 điểm/80 điểm. Trong đó: Chỉ số “Tham gia của người dân ở cấp cơ sở” đạt 5,04/10 điểm; chỉ số “công khai, minh bạch” đạt 4,99/10 điểm; “trách nhiệm giải trình với người dân” đạt 4,57/10 điểm; “kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” đạt 6,13/10 điểm; “thủ tục hành chính công” đạt 7,13/10 điểm; “cung ứng dịch vụ công” đạt 7,1/10 điểm; “quản trị môi trường” đạt 2,72/10 điểm; “quản trị điện tử” đạt 3,86/10 điểm. Năm 2019, Hà Nội vẫn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có điểm tổng hợp Chỉ số PAPI thấp nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.