(HNM) - Pakistan đang trải qua thời điểm cực kỳ khó khăn. Về thiên tai, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất suốt tuần qua ở nước này đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.500 người.
Các cơ quan cứu trợ phải huy động máy bay trực thăng để đưa người dân Pakistan đến nơi an toàn. |
Ít nhất 47 người khác cũng thiệt mạng ở khu vực Kashmir (phía Pakistan kiểm soát). Hàng chục nghìn ngôi nhà và một khu vực rộng lớn đất trồng trọt bị phá hủy, nhiều tuyến đường bị chia cắt, nhiều làng mạc bị cô lập... khiến khoảng một triệu người bị ảnh hưởng. Tâm điểm của thảm họa thiên nhiên đang diễn ra ở Pakistan nằm ở vùng Tây bắc, nơi có thung lũng Swat, được xem là "đại bản doanh" của tàn quân Taliban. Tràn ngập trên các phương tiện truyền thông quốc tế mấy ngày qua là hình ảnh người dân vùng Swat bấu víu vào những gì có thể trong dòng nước xiết hoặc ngồi trên nóc nhà chờ cứu hộ hay nối tay nhau trong dòng nước tìm đến những nơi lánh nạn.
Chưa có thống kê, nhưng thiệt hại được dự báo là vô cùng to lớn. Liên hợp quốc đã lên tiếng lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại một số khu vực của nước này. Ủy ban châu Âu (EC) đã chi 30 triệu euro hỗ trợ cho các nạn nhân. Đại sứ quán Mỹ tại Islamabad thông báo, Washington sẽ gửi thuyền cứu hộ, nước uống và khoảng 50.000 suất ăn cho các khu vực bị cô lập. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, máy bay trực thăng, tàu thuyền, nước uống và các nhu yếu phẩm đã được gửi đến các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ở Pakistan, như là một phần trong cam kết viện trợ ban đầu trị giá 10 triệu USD cho quốc gia Nam Á này…
Tuy nhiên, ngay tại nơi thiên tai lại là nơi địch họa khi tàn quân Taliban chọn đúng thung lũng Swat làm đại bản doanh. Đây là nguyên nhân gây căng thẳng trong quan hệ đồng minh Pakistan - Anh mấy ngày qua. Trong chuyến thăm Ấn Độ, phát biểu tại cuộc họp báo chung với Thủ tướng Manmohan Singh tại New Delhi (ngày 29-7), Thủ tướng Anh David Cameron, người vừa bước vào số 10 phố Dawning hồi tháng 5 vừa qua, tuyên bố Pakistan không được phép "khuyến khích xuất khẩu khủng bố dù sang Ấn Độ, Afghanistan hay bất kỳ một nước nào khác trên thế giới".
Ngay lập tức, một phản ứng dây chuyền đã bùng phát, lan rộng trong chính giới Islamabad. Ngoại trưởng Pakistan K.Kasuri (ngày 1-8), tuyên bố, Anh không nên ngạc nhiên về phản ứng đầy bạo lực của thế giới Hồi giáo trước việc Anh đã phong tước cho tác giả Những vần thơ của quỷ Sa tăng, ông Salman Rushdie. Cùng ngày, Hội đồng Lập pháp tỉnh North West Frontier (Pakistan) đã thông qua nghị quyết kêu gọi Chính phủ Pakistan cắt đứt mọi quan hệ với Anh. Còn một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Pakistan xác nhận, người đứng đầu Cơ quan Tình báo (ISI) nước này - Trung tướng Ahmed Shujaa Pasha đã hủy chuyến công du tới Anh được dự kiến vào tuần tới để thảo luận các biện pháp hợp tác chống khủng bố với các nhà lãnh đạo tình báo của đảo quốc Sương mù.
Anh và Mỹ lâu nay vẫn coi Pakistan là quốc gia có vai trò trọng yếu trong cuộc chiến chống khủng bố. Islamabad đã mở chiến dịch dài ngày trong nhiều ngày qua nhằm truy kích tàn quân Taliban và những phần tử dính líu đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda đang ẩn náu trong lãnh thổ nước này và thung lũng Swat đang ngập lụt được chọn là điểm đến cuối cùng của chiến dịch. Phát biểu của Thủ tướng D.Cameron như "gáo nước lạnh" dội thẳng vào những nỗ lực ấy. Thêm vào đó, mới đây lại có những thông tin mật về mối liên hệ giữa ISI đầy quyền lực của Pakistan với những thủ lĩnh của lực lượng khủng bố Taliban được công khai tại Mỹ và Anh đã như lửa đổ thêm dầu.
Do đó, để xoa dịu đồng minh, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (ngày 1-8) đã lên tiếng bảo vệ Pakistan khi nói rằng, Islamabad vẫn đang tích cực tiêu diệt những kẻ khủng bố. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton thì nói rằng, người dân Pakistan là bạn bè và Mỹ đứng bên họ khi thiệt hại về người đang tăng lên do lũ lụt ở vùng Tây bắc nước này...
Cả thiên tai lẫn địch họa đang là áp lực làm đau đầu Islamabad. Cùng với việc lo cứu hộ thảm họa thiên tai khốc liệt, chính quyền của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari lại phải khẳng định để những đồng tiền viện trợ từ các đồng minh không đổi hướng. Vì vậy, bất chấp những khó khăn đang diễn ra, chuyến thăm Anh của Tổng thống A.Zardari sẽ vẫn diễn ra như kế hoạch (vào ngày 6-8). Thế nhưng, những căng thẳng hiện tại đang khiến mối quan hệ đồng minh giữa Pakistan với phương Tây thật khó xuôi chèo mát mái.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.