Theo dõi Báo Hànộimới trên

Pakistan sau tổng tuyển cử: Thách thức vẫn ở phía trước

Trung Hiếu| 13/05/2013 06:55

(HNM) - Đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N (PML-N) đối lập theo đường lối trung hữu của cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif đã tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử bước ngoặt tại quốc gia Nam Á.


Có tới 60% cử tri đã tham gia bỏ phiếu, mức cao nhất kể từ năm 1977. Điều này được xem là một thành công bước đầu của Islamabad khi hàng loạt các vụ đánh bom đã nổ ra liên tiếp, phủ bóng lên các nỗ lực của Chính phủ nhằm thực hiện quá trình chuyển tiếp chính quyền theo luật định. Hàng loạt ứng cử viên của các đảng thế tục, văn phòng các chính trị gia cũng như các cuộc tuần hành, mít tinh tranh cử trên cả nước đã là mục tiêu của những phần tử chống đối. Ước tính khoảng 120 người đã thiệt mạng và hơn 400 người bị thương kể từ khi chiến dịch tranh cử bắt đầu vào giữa tháng 4-2013. Thậm chí, ngay trong ngày tổng tuyển cử, tại thành phố cảng miền Nam Karachi, một vụ tấn công bằng bom gần một điểm bỏ phiếu đã cướp đi sinh mạng của 10 người và làm 30 người bị thương. Cũng tại đây, cuộc bỏ phiếu đã không thể tổ chức được tự do và công bằng vì nhân viên của ủy ban bầu cử bị đe dọa và không thể làm tròn nhiệm vụ.

Những người ủng hộ đảng Liên đoàn Hồi giáo Pakistan-N ăn mừng thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua.



Hiện chưa rõ Pakistan có phải tiến hành tổng tuyển cử lại hay không vì sự cố ở Karachi. Nhưng cho đến nay, chiến thắng thuộc về PML-N đã đánh dấu việc lần đầu tiên một chính phủ dân sự hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ 5 năm và chuyển giao quyền lãnh đạo cho một chính phủ kế nhiệm được dân bầu tại Pakistan. Ngày hội dân chủ này trở nên đặc biệt khi Pakistan là quốc gia có chính quyền quân sự lãnh đạo hơn một nửa số thời gian trong lịch sử 66 năm của đất nước. Trên thực tế, việc PML-N giành thắng lợi cũng không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Cùng với đảng PPP, PML-N đã trở thành chính đảng nòng cốt tại Pakistan, với thành trì ở tỉnh Punjab. Điều này đang mở đường cho ông Nawaz Sharif trở lại chính trường lần thứ ba trên cương vị Thủ tướng sau hai lần giữ trọng trách này vào những năm 1990.

Tuy nhiên, nếu kết quả cuối cùng khẳng định chính trị gia kỳ cựu này là người chiến thắng thì Chính phủ mới của ông cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ “di sản” của những người tiền nhiệm. Đó là một loạt vấn đề nan giải như các cuộc tấn công được tính toán nhằm vào người thiểu số Pakistan, các nhà lãnh đạo đối lập và cả những người hoạt động xã hội. Nạn tham nhũng, thiếu năng lực điều hành đất nước cũng như việc các phần tử Taliban mạnh lên cũng là điều khiến cho giới chức Islamabad đau đầu. Lĩnh vực kinh tế là có thể được xem là mối quan ngại lớn nhất với Chính phủ mới trong thời gian tới khi tăng trưởng trung bình của quốc gia Nam Á đạt chưa tới 3%/năm trong vòng 3 năm. Trong khi đó, lạm phát lên tới khoảng 11% và tình trạng thiếu điện đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực chế tạo vốn đã vô cùng ốm yếu của nước này. Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp và sự thất vọng của thanh niên Pakistan ngày càng tăng gây nhiều nguy cơ về bất ổn xã hội. Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng, dù Pakistan đã trải qua 5 năm dưới sự lãnh đạo của một chính quyền dân sự, song lực lượng quân đội vẫn có ảnh hưởng rõ ràng trên chính trường đất nước hơn 190 triệu dân. Nhìn chung, quân đội vẫn có vai trò đáng kể trong các hoạt động của Chính phủ Islamabad. Trong thời gian tới, thực trạng này dường như khó có thể thay đổi và được nhìn nhận như một khó khăn nội bộ của tân chính phủ trong việc quyết định các chính sách, chương trình lớn để cải cách nền kinh tế.

Việc kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục được thực hiện và theo các kết quả sơ bộ, khó có đảng nào giành được đa số để có thể tự đứng ra thành lập Chính phủ. Nhiều khả năng Pakistan sẽ có một Chính phủ liên hiệp. Tuy nhiên, bất cứ người nào trở thành Thủ tướng mới cũng sẽ lãnh đạo một quốc gia phải chật vật đối phó với những khó khăn trên nhiều lĩnh vực trước khi đến được mục tiêu ổn định và phồn vinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Pakistan sau tổng tuyển cử: Thách thức vẫn ở phía trước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.