Theo dõi Báo Hànộimới trên

Outlander có giúp Mitsubishi tái chiếm được thị phần SUV trong nước?

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 17/08/2016 11:37

(HNMO) - Trước sự bùng nổ của thị trường xe “gầm cao”, không thể phủ nhận rằng mọi thương hiệu xe đều chịu áp lực cạnh tranh rất lớn theo những cách khác nhau.

Outlander đánh dấu sự chuyển mình mạnh mẽ của Mitsubishi tại thị trường trong nước.


Trong khi nhiều thương hiệu loay hoay tìm cách lấn sân sang phân khúc một thời bụi bặm này, những hãng “truyền thống” lại tìm đủ mọi cách để cách tân sản phẩm nhằm bắt kịp xu hướng mới của thị trường xe cũng như nhu cầu từ phía người tiêu dùng.

Dĩ nhiên, bài toán “hiện đại hoá” những chiếc SUV không phải thứ gì đó mới mẻ. Ngay từ giai đoạn đầu thế kỷ, Ford đã từng đối mặt với những vấn đề khó khăn khi doanh số hàng loạt mẫu SUV hạng nặng như Explorer, Expedition liên tục sụt giảm thị phần trong khi Escape - mẫu SUV hạng nhẹ dựa trên nền tảng của dòng sedan Contour lại tăng lên nhanh chóng. Thực tế này đã nhanh chóng khiến nhiều lãnh đạo các hãng xe phải cân nhắc lại chiến lược của mình.

Nếu so với các đối thủ trong phân khúc, Outlander tạo khác biệt chủ yếu 
nhờ vào niềm tin thương hiệu và khả năng vận hành.


Tính đa dụng thấy rõ của “gầm cao” kết hợp với việc thu nhỏ kích thước cũng là công thức mang tới thành công của nhiều dòng xe SUV cỡ nhỏ và crossover trong suốt một thập kỷ vừa qua. Mặt khác, các nhà sản xuất cũng cải tiến nhanh chóng chất lượng nội thất, khả năng cách âm, độ tiết kiệm nhiên liệu và thiết kế ngoại hình cho những chiếc xe gầm cao vốn gắn liền với tính thực dụng và bụi bặm trước đó. Phản ứng tích cực từ phía thị trường ngay sau đó cho thấy những thay đổi đã chạm đúng vào nhu cầu của người tiêu dùng hiện đại - đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển với hạ tầng giao thông còn nhiều khiếm khuyết.

Nếu so với những mẫu xe Mitsubishi khác từ trước tới nay, Outlander là làn gió mới tạo sự khác biệt rất lớn.


Dĩ nhiên, không phải mọi sự chuyển mình đều diễn ra thuận lợi. Một ví dụ điển hình là với Mitsubishi. Khi thương hiệu Nhật Bản này tung ra chiếc Outlander hồi đầu tháng 8, nhiều người dùng đã thực sự bất ngờ bởi lẽ trong thị hiếu của người Việt Nam, các dòng xe Mitsubishi thường song hành với thiết kế có phần khá bảo thủ, nền tảng lỗi thời - dù đổi lại là khả năng vận hành đầy ấn tượng, khả năng bảo trì bảo dưỡng dễ dàng, mức giá thường khá “mềm” và tính bền bỉ đặc biệt cao so với mặt bằng chung phân khúc.

Từ lâu, người tiêu dùng đã biết đến Mitsubishi chủ yếu qua chiếc SUV cỡ lớn Pajero, hay "mới" hơn một chút là bán tải Triton. Cả hai mẫu xe này dù có lịch sử phát triển đầy ấn tượng nhưng đều khá "già" trong mắt người tiêu dùng - đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ tuổi. Trong khi đó, chiếc Outlander Sport của năm 2014 tuy có cố gắng thể hiện sinh khí mới mẻ, trẻ trung hơn nhưng ấn tượng để lại cũng khá mờ nhạt. Với Outlander thế hệ 2016, dường như những. thay đổi thực sự đã lần đầu đem tới hiệu quả.

Trong khi CX-5, CR-V hay Tucson chú trọng nhiều vào khả năng "đi phố", Outlander 2016 là lựa chọn hiếm hoi trong phân khúc SUV/Crossover cỡ nhỏ hướng tới môi trường "offroad" thực thụ.


Một điều thú vị là nếu theo đúng lịch trình sản phẩm của Mitsubishi, Outlander 2016 ra mắt tại Việt Nam vừa qua mới là phiên bản nâng cấp giữa chu kỳ - đồng nghĩa với việc nó chỉ khác biệt chút ít về ngoại hình và tính năng tuỳ chọn.

Tuy nhiên, với bài toán khó nêu ở trên, không có gì ngạc nhiên khi nhà sản xuất mong muốn tạo ra sự đột phá thực sự nhằm lấy lại vị thế và tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm trong phân khúc vốn đang hàm chứa sự cạnh tranh cực kỳ quyết liệt. Hệ quả là Outlander 2016 - theo tuyên bố - có tới hơn 100 thay đổi so với thế hệ tiền nhiệm. Những thay đổi này bao gồm cả thiết kế ngoại hình hoàn toàn mới dựa trên ngôn ngữ thiết kế cũng hoàn toàn mới (Dynamic Shield).

Một điển hình của việc hãng xe truyền thống tìm cách chuyển mình theo hướng hiện đại nhằm phù hợp thị hiếu người tiêu dùng trong khi vẫn cố gắng duy trì giá trị cốt lõi.


Mặt khác, là một gương mặt mới đối với thị trường trong nước, có lẽ không ngoa khi khẳng định rằng Outlander thực sự tạo dựng hình ảnh mới mẻ về Mitsubishi - đặc biệt là khi đơn vị này cũng đổi tên từ Vina Star Motor trước đây thành Mitsubishi Motor Vietnam (Mitsubishi Nhật Bản nâng cổ phần sở hữu thông qua việc mua lại toàn bộ số cổ phần trước đây do Proton của Malaysia sở hữu).

Về mặt kĩ thuật, trong khi Outlander Sport là một chiếc crossover cỡ nhỏ 5 chỗ dài chưa đến 4,3m, thì Outlander thuộc nhóm cỡ trung cao cấp hơn. Nhờ chiều dài lên tới gần 4,7m, xe có khoang nội thất với khả năng mở rộng 5+2 chỗ. Tại Việt Nam, Mitsubishi Outlander có 3 phiên bản. Trong đó, Outlander 2.0 CVT STD và CVT đều chỉ có 5 chỗ, cùng sở hữu động cơ MIVEC dung tích 2.0L, công suất cực đại 145 mã lực, mô men xoắn cực đại 196Nm, đi cùng với hộp số tự động vô cấp (CVT) và hệ thống dẫn động cầu trước. Trong đó, CVT STD có mức giá thấp nhất, 975 triệu đồng.

Hệ dẫn động 4WD và kết cấu ghế 5+2 là đặc quyền của phiên bản Outlander với động cơ 2.4L.


Phiên bản CVT (1,123 tỷ VNĐ) tiện nghi hơn khi được trang bị đèn pha LED kèm projector thay vì đèn halogen, nội thất bọc da thay vì nỉ, có thêm màn hình cảm ứng, bảy túi khí (so với chỉ 2 ở hàng ghế trước của CVT STD), kích thước vành tăng từ R16 lên R18, điều hòa tự động 2 vùng, gương chiếu hậu tích hợp đèn báo rẽ, bổ sung thêm các chi tiết mạ crôm, bổ sung lẫy sang số sau vô lăng, và đặc biệt nhất là được trang bị thêm hệ thống trợ lực phanh khẩn cấp, hệ thống cân bằng điện tử (ASC), hệ thống hỗ trợ khởi hành ngang dốc (HAS) và camera lùi.

Ở vị trí cao nhất, Outlander 2.4 CTV (1,275 tỷ VNĐ) là mẫu duy nhất sở hữu kết cấu ghế 5+2, hệ dẫn động bốn bánh 4WD và động cơ 2.4L (công suất cực đại đạt 167 mã lực, mô men xoắn cực đại 222Nm). Xe vẫn sử dụng hộp số vô cấp INVECS III. Dù cả ba biến thể ra mắt lần này đều nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản nhưng tại thị trường nước ngoài, Outlander còn có một phiên bản sử dụng động cơ V6 3.0L cho công suất 224 mã lực.

Với cả ba phiên bản, Mitsubishi đều tiến hành tối ưu hoá hệ thống treo theo hướng cải thiện êm ái cho khoang lái và đưa cảm giác lái tốt hơn tới tay tài xế. Sự cứng cáp thấy rõ của thân vỏ cũng giúp Outlander hạn chế tối đa rung lắc, tiếng ồn (một phần nhờ gioăng cao su kết hợp cùng vật liệu cách âm loại mới) và duy trì được sự ổn định cần thiết trên các cung đường di chuyển. Mặt khác, với những người dùng đã từng có cơ hội trải nghiệm Outlander thế hệ trước đó (không bán chính hãng ở thị trường trong nước), thế hệ mới cũng thể hiện khác biệt theo đúng những thị hiếu hiện đại - như đề cập tới ở phần đầu bài viết.

Liệu thương hiệu "nồi đồng, cối đá" một thời chiếm được cảm tình người tiêu dùng Việt Nam có tái xuất đủ ấn tượng cho một tương lai sáng sủa hơn?


Nhìn chung, thiết kế mới, trọng lượng nhẹ, khả năng tiết kiệm nhiên liệu, cảm giác lái tốt hơn và nội thất, tiện nghi mới mẻ là những món mới rất đáng hoan nghênh - giúp Outlander thực sự bắt kịp với trào lưu mới.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng: để tìm kiếm được chỗ đứng cho riêng mình, gương mặt non trẻ này sẽ vẫn cần thời gian để chứng tỏ mình trong sân chơi Việt - vốn đã định hình khá rõ ràng với những cái tên đầy sức mạnh như CR-V, CX-5, Tucson hay thậm chí là Captiva.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Outlander có giúp Mitsubishi tái chiếm được thị phần SUV trong nước?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.