(HNM) - Trong khi lượng thuê bao và doanh thu từ dịch vụ truyền hình truyền thống tăng trưởng chậm, thậm chí giảm thì truyền hình OTT (truyền hình trên mạng internet) lại phát triển mạnh. Do vậy, việc tạo điều kiện cho "phân khúc" truyền hình OTT được coi là giải pháp thúc đẩy tăng trưởng cho truyền hình trả tiền...
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2018 cả nước có 14,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền, doanh thu đạt 8.000 tỷ đồng thì đến hết tháng 6-2019, có đến 15,3 triệu thuê bao nhưng doanh thu chỉ là 1.885 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 so với tổng doanh thu cả năm 2018. Con số này cũng cho thấy cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường truyền hình trả tiền, đặt ra một số vấn đề với cơ quan quản lý nhà nước.
Cũng lưu ý thêm, cuộc cạnh tranh về giá giữa các nhà đài khiến chỉ số ARPU (doanh thu bình quân trên thuê bao) tại Việt Nam chỉ còn 4 USD - thấp nhất so với các nước trong khu vực (khoảng 10-30 USD). Đáng chú ý nguồn thu chính vốn từ quảng cáo nhưng đến 80% thị phần lại rơi vào tay Facebook, Google, do vậy truyền hình trả tiền ngày càng khó khăn.
Tại hội thảo “Các giải pháp tăng doanh thu cho truyền hình trả tiền” do Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã tổ chức tháng 9 vừa qua, một trong những giải pháp được đưa ra là các nhà đài cần tập trung phát triển mạnh truyền hình OTT.
Theo phân tích của ông Nguyễn Chấn - Trưởng phòng Quản lý dịch vụ thuộc Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), những năm gần đây thuê bao truyền hình OTT tăng trưởng mạnh đạt 50%/năm cả về thuê bao lẫn doanh thu trong khi truyền hình trả tiền truyền thống tăng trưởng rất chậm. “Truyền hình trả tiền truyền thống sẽ dần bão hòa, truyền hình OTT sẽ phát triển mạnh và dần chiếm ưu thế. Dư địa để phát triển loại hình này còn rất lớn, nhưng cạnh tranh ngày càng khốc liệt” - ông Nguyễn Chấn nhận định.
Cùng quan điểm về xu hướng phát triển của truyền hình OTT, ông Vũ Anh Tú - Phó Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông FPT cho biết, thị phần ứng dụng truyền hình OTT của FPT với gói FPT Play đang chiếm ưu thế lớn trong cung cấp dịch vụ. Ở góc độ khác, ông Tạ Sơn Đông, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) phân tích về xu hướng cung cấp gói nội dung khác biệt cho dịch vụ truyền hình trả tiền. Từ thực tế ở đơn vị, VTVCab coi việc cung cấp nội dung khác biệt là “vũ khí chiến lược” của nhà cung cấp, và vì vậy phải nghiên cứu kỹ nhu cầu của người dùng "xem gì, khi nào"… từ đó mới tạo ra giá trị cốt lõi và mới trở thành lợi thế duy nhất của cạnh tranh.
Tuy nhiên còn một thực tế nữa là các nhà đài trong nước cũng đang chịu sự cạnh tranh bất bình đẳng với doanh nghiệp cung cấp nền tảng truyền hình xuyên biên giới, điển hình như Netflix. Netflix đã cung cấp truyền hình OTT thu phí thuê bao/tháng với người dùng nhưng chưa chấp hành quy định quản lý nội dung của pháp luật Việt Nam.
Đưa ra khuyến nghị với các nhà đài về phát triển truyền hình OTT, ông Nguyễn Chấn nêu rõ, doanh nghiệp cần xem xét hợp tác để đa dạng hóa gói nội dung, đem đến cho người xem nhiều lựa chọn. Đồng thời, hợp tác với doanh nghiệp sản xuất tivi để cài đặt ứng dụng OTT trên hệ điều hành của SmartTV (ti vi thông minh) ngay từ nhà máy để đa dạng hóa phương thức tiếp cận của người xem.
Được biết, cũng trong tháng 9 vừa qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã làm việc với 4 hãng sản xuất ti vi hàng đầu tại thị trường Việt Nam là Samsung, LG, Sony, TCL để phổ biến các quy định pháp luật về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình. Đồng thời yêu cầu các hãng sản xuất này loại bỏ tính năng truy cập dịch vụ Netflix trên điều khiển từ xa, cũng như sẽ gỡ bỏ Netflix khỏi kho ứng dụng SmartTV theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Đại diện cả 4 doanh nghiệp này cũng đã cam kết chấp hành khi có yêu cầu… Đây là một trong những động thái quyết liệt của cơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh quản lý nội dung truyền hình xuyên biên giới được cung cấp qua internet vào Việt Nam, đồng thời tạo sự bình đẳng trong kinh doanh giữa doanh nghiệp trong nước với nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.