Sau khi kết thúc chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 13/11 đã tới thăm Hàn Quốc để thúc đẩy dự án xây dựng một tuyến đường thương mại mới nối châu Á với châu Âu bằng đường sắt, vốn cũng đi qua Triều Tiên.
Tổng thống Hàn Quốc và Nga gặp nhau bên lề G20 hồi tháng 9. |
Ông Putin vọng chuyến thăm ngắn của ông sẽ bao gồm việc ký kết biên bản ghi nhớ về dự án đầy tham vọng nhằm thiết lập một "con đường tơ lụa sắt" kết nối các mạng đường sắt của Hàn Quốc và Triều Tiên với Trung Quốc, Nga và châu Âu thông qua tuyến đường sắt xuyên Siberia.
Mátxcơva đã thực hiện bước đi đầu tiên hồi tháng 9 khi hoàn thành tuyến đường sắt dài 54 km từ thị trấn biên tới Khasan ở miền đông nam Nga tới cảng Rajin của Triều Tiên.
Tọa lạc tại vùng đông bắc giáp giới với cả Nga và Trung Quốc, Rajin là một cảng quan trọng đối với cả hai người láng giềng khổng lồ của Triều Tiên.
Ông Putin mong muốn tuyến đường sắt mở rộng ra khắp Triều Tiên và nối với cảng Busan ở phía nam Hàn Quốc.
Các nguồn tin báo chí cho hay Nga muốn Hàn Quốc nắm 34% cổ phần của dự án, Mátxcơva nắm 36% và Bình Nhưỡng giữ 30%.
Nhưng ông Andrei Lankov, một chuyên gia Nga về Triều Tiên và hiện đang giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul, tỏ ra hoài nghi về dự án do sự không ổn định trong mối quan hệ liên Triều và các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.
"Ý tưởng có vẻ hoàn hảo xét từ góc độ kinh tế và thương mại. Nhưng dự án sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD và các công ty sẽ mạo hiểm với sự đầu tư lớn đó với Triều Tiên trong tình hình hiện nay", ông Lankov nói.
Các nhà quan sát cũng liên hệ dự án với khu công nghiệp liên Triều Kaesong mà Triều Tiên và Hàn Quốc cùng vận hành. Bình Nhưỡng đã đơn phương đóng cửa khu công nghiệp hồi tháng 4 trong bối cảnh các căng thẳng quân sự leo thang.
Tổng thống Putin dự kiến cũng đề cập các dự án đường sắt và khí đốt với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-Hye trong cuộc hội đàm tại Seoul vào hôm nay. Hồi tháng 9, hai nhà lãnh đao đã có cuộc hội đàm bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Saint Petersburg.
Hai nguyên thủ dự định cũng thảo luận chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Nga là một thành viên trong các cuộc đàm phán 6 bên vốn bị đình trệ về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cùng với Trung Quốc, Mỹ, Nhật và 2 miền Triều Tiên.
Trung Quốc và Triều Tiên đã hối thúc nối lại các vòng đàm phán, nhưng Seoul và Washington khẳng định rằng Bình Nhưỡng trước tiên phải chứng tỏ cam kết thực lòng đối với việc giải trừ hạt nhân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.