(HNM) - Nói đến Tây Nguyên, đến Buôn Ma Thuột, ai cũng nghĩ đó là đất của cà phê, hạt tiêu, điều. Thế nhưng, cao nguyên vẫn có lúa nước. Lúa vẫn được cấy trên đất bazan xanh mướt, bội thu... và chỉ có sau ngày miền Nam giải phóng…
Cánh đồng trên đất bazan...
Chiều xuống. Những cơn mưa giông không đủ làm ướt đất. Đường về buôn Kao xã Ea Kao ở ngoại vi của thành phố Buôn Ma Thuột dù đã được trải nhựa nhưng vẫn nhuộm một lớp bụi đất đỏ. Nhà dài truyền thống của người Ê Đê gần như biến mất ở các buôn làng. Nhà của ông Y Sứ Knu, Trưởng buôn Kao cũng vậy.
Ông Y Sứ Knu, Buôn trưởng buôn Kao thăm lúa ở cánh đồng mẫu. |
Ông Y Sứ Knu không có nhà. "Bố ra ruộng xây chòi trông cá, trông lúa rồi!", cô con gái nói vọng từ trong nhà ra trả lời khách. Knu tên H-Buan Bjă, lấy họ theo mẹ vì người Ê Đê theo chế độ mẫu hệ. Sau ít phút ngần ngại, H-Buan cũng dẫn chúng tôi ra ruộng để gặp cha. Thoăn thoắt qua vườn sau nhà với những điều, cà phê, H-Buan đi trước vừa dẫn đường vừa nói chuyện. Vườn cà phê của Knu được trồng hơn mười năm trước vẫn cho thu hoạch nhưng hạt chả đáng bao nhiêu vì trồng và chăm sóc chưa đúng kỹ thuật. Được cái gần hồ Ea Kao lại có hệ thống kênh mương thủy lợi nên vườn cà phê của Knu không khô cháy như nhiều nơi khác. Đám rau khoai lang tốt um, xanh mướt vì vừa mới được cho "ăn" u-rê. Vài khoảnh ruộng ngô mới cao được khoảng một gang tay.
Qua mấy khu vườn, bỗng một khoảng xanh mướt hiện ra trước mắt. Cánh đồng lúa đang kỳ trổ bông rộng đến không ngờ. Ít người nghĩ rằng trên vùng đất cao nguyên, gần thành phố Buôn Ma Thuột lại có một cánh đồng lớn đến như vậy. Cánh đồng ở buôn Kao còn rộng và lớn hơn nhiều cánh đồng ở miền Bắc, có lẽ chỉ chịu thua về diện tích so với những cánh đồng miền Tây Nam Bộ. "Bố ơi, có khách tới", H-Buan đứng cạnh bờ ao cất tiếng gọi bằng tiếng Kinh. Ông Knu đang xây chòi canh một mình. Chòi của ông cạnh ao, ao sát ngay cánh đồng của cả buôn.
Knu chắc đậm, da ngăm đen, miệng cười tươi để lộ hàm răng trắng khỏe, bắt tay khách mà chẳng ngại vôi vữa vẫn còn dính. Không ai nghĩ Knu đã gần 60 tuổi. "Xây cái chòi này trông cá và tiện thể ngó lúa cho bà con luôn", Knu hào hứng. Ông sinh tới tám người con, năm gái, ba trai. Một con trai làm buôn đội trưởng, một làm công ty cao su, và một đứa còn nhỏ. Những việc nặng như thế này chỉ để đàn ông làm thôi. Đàn bà lo việc nhẹ nhàng, Knu nói.
Sinh ra và lớn lên ở buôn Kao, ông Knu nhớ như in những ngày còn chiến tranh. Năm 1968, vào tết Mậu Thân, bom đạn dữ dội, buôn Kao lúc đó còn ở trên đồi gần cây Kơ nia: "Bà con trong buôn chết cũng nhiều lắm", Knu bùi ngùi. Sau đận đó, không ai còn muốn sống ở buôn cũ nữa, buôn làng rời xuống vùng rừng thấp và ở từ đó tới nay. Năm 1972, Knu đi vào rừng theo cách mạng cho đến sau ngày Giải phóng Buôn Ma Thuột 10-3-1975 mới về lại quê hương rồi tham gia du kích vừa truy quét cơ sở để lại của giặc, vừa chống Phun-rô. Đáng ra, theo tục lệ của người Ê Đê, Knu sẽ phải theo vợ về bên huyện Krông Na để ở rể nhưng vì nhà vợ khó khăn nên ông thuyết phục vợ ở lại buôn Kao. Còn thì mọi tập tục lề thói vẫn theo chế độ mẫu hệ.
... và mùa vàng trĩu ngọt
Cuộc sống sau giải phóng không dễ dàng vì bà con trong buôn chỉ biết trồng tỉa lúa nương, ngô, khoai, sắn trên những vạt đồi. Khi đó chỉ có vài nhà trồng cà phê nhưng buôn Kao là đất thấp thích hợp cho trồng lúa nước. Thương dân, ngành nông nghiệp mang máy ủi san phẳng ruộng rồi đưa lúa nước cấy cho bà con. Dù cầm tay chỉ việc nhưng cũng chỉ cấy được một vụ vì giống không tốt và chưa có hệ thống thủy lợi. Rồi đổi mới cơ chế lan đến Tây Nguyên, bà con bắt chước các nông trường quốc doanh, trồng cà phê. Mấy năm liền cà phê được giá, cuộc sống bắt đầu đi lên nhưng do nhiều nguyên nhân, đất hẹp dần, cuộc sống lại chênh vênh.
Ông Knu có 4 sào đất trong đó 2 sào là vườn trồng cà phê, điều, 2 sào chuyên trồng lúa nước và cây lúa mới là nguồn sống chính cho gia đình đông con. Những ngày đầu trồng lúa nước cũng chẳng dễ dàng vì bà con Ê Đê quen canh tác kiểu khác, cán bộ nông nghiệp hướng dẫn xong bà con lại quên, nhưng Knu sáng dạ, học là nhớ và làm đúng kỹ thuật nên năng suất cao, bà con trong buôn thấy "Knu nó làm được" liền nhờ ông chỉ giúp. Dù cấy hai vụ nhưng năng suất chỉ đạt 2 đến 3 tạ/sào, tuy vậy, còn có hạt gạo để ăn. "Không có cây lúa thì chết, lấy đâu gạo để nuôi 8 miệng ăn trong suốt những năm qua", Knu chia sẻ. Thấy được cái lợi của trồng lúa và trách nhiệm của trưởng buôn với bà con nên Knu tích cực tham gia các chương trình cánh đồng mẫu của thành phố. Hiểu được, phổ biến lại cho mọi người trong buôn.
"Ông Y Sứ Knu, Buôn trưởng buôn Kao giúp đỡ chúng tôi và bà con nhiệt tình lắm", bà Hồ Cẩm Lai, Phó Trưởng phòng Kinh tế TP Buôn Ma Thuột khẳng định. Bà Cẩm Lai nhớ lại, năm 2013, khi bắt đầu triển khai thực hiện cánh đồng mẫu lúa lai PAC 807 tại buôn Kao, xã Ea Kao, bà rất lo lắng vì đây là cánh đồng mẫu lúa lai chất lượng cao đầu tiên của Buôn Ma Thuột mà lại làm ở một buôn 100% là đồng bào dân tộc Ê Đê. Ban đầu, việc vận động bà con góp ruộng rất khó khăn. Nhưng tham gia rồi thì lại phát sinh khó khăn khác. Bà con chưa quen áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trên cả cánh đồng, rồi việc bón phân không đúng quy trình nên ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Chính sự nhiệt tình của Trưởng buôn Knu đã góp phần quan trọng để cánh đồng mẫu lúa lai thành công ở buôn Kao.
Thực tế cho thấy mô hình cánh đồng mẫu lúa lai ở buôn Kao đạt hiệu quả cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Năng suất lúa tăng đến 40%, hiệu quả kinh tế tăng hơn 17,8 triệu đồng/ha so với sản xuất lúa nước theo thói quen của đồng bào. Khi kết thúc, chương trình đã có 45 nông dân sản xuất lúa nước nắm bắt chắc chắn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa lai, nhận diện được các loại sâu bệnh hại, quy luật sinh trưởng phát triển của cây lúa. "Đây là mô hình mẫu để nông dân và cán bộ ở các huyện học tập và sẽ được nhân rộng trong thời gian tới", bà Cẩm Lai đánh giá. Đặc biệt, bước đầu bà con Ê Đê ở buôn Kao đã thay đổi tập quán canh tác truyền thống tự phát, nhỏ lẻ, manh mún để chuyển sang canh tác đồng loạt, tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật đồng bộ trên cánh đồng lớn.
Ban đầu ông Y Sứ Knu tham gia tích cực là vì muốn ruộng nhà mình làm ra nhiều lúa hơn. Khi thấy cách làm hay quá thì ông đi vận động bà con họ hàng, buôn xóm tham gia. Tuy vất vả nhưng ông thấy vui vì cuộc sống của ông và bà con trong buôn Kao ngày một tốt hơn. Năm 2013, ông tham gia 1 sào ruộng vào cánh đồng mẫu đầu tiên rộng 8ha. Kết quả thu về được 9 tạ lúa trong năm đó. Năm 2014, ông góp cả 2 sào và cánh đồng mẫu giờ lên tới 26ha, thu về gần 19 tạ lúa. Năm nay, ông tiếp tục vận động bà con góp ruộng để cùng nhau hưởng lợi.
Cùng với 2 sào cà phê, hạt điều trên vườn, 2 sào lúa lai góp vào cánh đồng mẫu đang ngày càng giúp cuộc sống của gia đình ông Knu ổn định hơn. Lũ trẻ ngày nào giờ đã trưởng thành cũng phần nào bớt gánh nặng mưu sinh trên vai ông. Đầu năm 2015, Knu mua 5 kilôgam cá giống các loại như rô phi, chép, trôi, mè từ hồ Ea Kao về thả ở ao nhà. Sẽ đến một buổi chiều, ông không phải ướt đẫm mồ hôi để xây chòi canh nữa mà ngồi thảnh thơi câu cá ngắm hoàng hôn buông xuống cánh đồng rộng bát ngát mênh mông của buôn Kao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.