Trong báo cáo tại Đại học Havard (Mỹ) với tiêu đề
Trong báo cáo tại Đại học Havard (Mỹ) với tiêu đề "Chủ nghĩa Marx và hệ lụy" ông Hoàng Minh Chính công khai phê phán, xuyên tạc Mác và chủ nghĩa Mác - chủ nghĩa mà trước đây ông đã từng đi tuyên truyền, giảng dạy, tin tưởng, ca tụng thì giờ đây ông trở cờ, ông sám hối.
Khi nói về tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" do C. Mác và Ph. Ăng-ghen viết, tuy phải thừa nhận "nó có tác dụng rất to lớn trong việc hình thành các Đảng Cộng sản và công nhân, tập hợp phong trào cộng sản thành Quốc tế cộng sản và ảnh hưởng rất rộng lớn tới xã hội loài người trong một thế kỷ rưỡi qua", song ông lại nói "Tuy nhiên tác phẩm đó đã mắc những sai sót cơ bản" (!).
Phần sau chúng tôi sẽ xem xét cái mà ông Chính gọi là "những sai sót cơ bản" của Mác là gì, có phải thật sự là "sai sót cơ bản" của Mác không, hay chính là sai sót cơ bản, sai lầm nghiêm trọng của ông Chính.
Để phê phán chủ nghĩa Mác, ông Chính viện dẫn ra những lý lẽ cũ rích của các nhà tư tưởng chống cộng trước đây xoay quanh 2 vấn đề "đấu tranh giai cấp" và "chuyên chính vô sản" với những câu trích dẫn xuyên tạc.
Ông nói: "Marx và Engels tuyên bố rằng "lịch sử tất cả các xã hội tồn tại từ trước đến nay chỉ là lịch sử đấu tranh giai cấp" và ông coi "luận điểm này đi ngược lại lịch sử phát triển khách quan của xã hội loài người", bởi vì "sản xuất và thương mại, khoa học và công nghệ ngày càng phát triển là cơ sở vật chất và nền tảng của xã hội. Trên nền tảng cơ bản đó được xây dựng thượng tầng kiến trúc là thể chế chính trị, giai cấp, nhà nước, pháp luật, văn hóa".
Hóa ra, ở đây ông Chính đã sử dụng một luận điểm duy vật lịch sử của Mác về sản xuất vật chất là cơ sở của đời sống xã hội, về vai trò quyết định của cơ sở hạ tầng đối với kiến trúc thượng tầng để phản bác lại luận điểm mác-xít về đấu tranh giai cấp mà ông tưởng tượng ra là đi ngược lại lịch sử phát triển khách quan của xã hội.
Chính Mác xuất phát từ cơ sở kinh tế, từ phương thức sản xuất để giải thích đấu tranh chứ không phải ngược lại. Do đó, trong Lời tựa viết cho bản tiếng Đức xuất bản năm 1883 Ph. Ăng -ghen viết: "Tư tưởng cơ bản và chủ đạo của "Tuyên ngôn" là: Trong mọi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội - cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra, - cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy; do đó (từ khi chế độ công hữu ruộng đất nguyên thủy tan rã), toàn bộ lịch sử là lịch sử của cuộc đấu tranh giai cấp..." (1).
Qua đó thấy rõ ông Chính đã trích dẫn một cách cắt xén câu trong "Tuyên ngôn", lờ đi sự bổ sung của Ph. Ăng-ghen trong Lời tựa và cố tình xuyên tạc tư tưởng của Mác về đấu tranh giai cấp.
Trong "Tuyên ngôn", Mác và Ăng-ghen không hề cường điệu vấn đề đấu tranh giai cấp. Khi nói rằng toàn bộ lịch sử thành văn là lịch sử đấu tranh giai cấp thì không có nghĩa là các ông chỉ biết có đấu tranh giai cấp mà quên các mặt khác của đời sống xã hội.
Trái lại, các ông muốn nhấn mạnh rằng đấu tranh giai cấp là quy luật khách quan tồn tại trong xã hội có giai cấp, đó là cuộc "đấu tranh giữa những giai cấp bị bóc lột và những giai cấp đi bóc lột, giữa những giai cấp bị trị và những giai cấp thống trị, qua các giai đoạn của sự phát triển xã hội của họ" (2) (chứ không thể có đấu tranh giai cấp chỉ một phía).
Cuộc đấu tranh giai cấp gắn với những điều kiện lịch sử nhất định, do đó khi điều kiện lịch sử thay đổi thì đấu tranh giai cấp cũng thay đổi hoặc mất đi. Vì vậy, lý tưởng của người cộng sản không phải là đấu tranh giai cấp muôn năm mà là giải phóng giai cấp công nhân, đồng thời giải phóng vĩnh viễn toàn xã hội khỏi ách bóc lột, áp bức, khỏi sự phân chia giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Những tư tưởng trên đây của Mác trong "Tuyên ngôn" thật là sáng rõ nếu người ta không cố tình nhắm mắt, xuyên tạc nó như ông Hoàng Minh Chính đã làm. Để hiểu đúng quan điểm đấu tranh giai cấp của Mác cũng như các quan điểm khác trong chủ nghĩa Mác, cần phải đặt nó trong hệ thống của chủ nghĩa Mác, trong mối liên hệ với các luận điểm khác cũng như trong sự phát triển lịch sử của nó.
Mác không phải là người phát hiện ra sự tồn tại của giai cấp và đấu tranh giai cấp, công lao đó thuộc các nhà sử học tư sản Pháp như Chi-e-ri, Mi-nhê, Ghi-dô... Mác khẳng định: "Cái mới mà tôi đã làm là chứng minh rằng: 1. Sự tồn tại của các giai cấp chỉ gắn liền với giai đoạn phát triển lịch sử nhất định của sản xuất; 2. Đấu tranh giai cấp tất yếu sẽ dẫn tới chuyên chính vô sản, bản thân nền chuyên chính này chỉ là bước quá độ tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp và tiến tới xã hội không giai cấp" (3).
Như vậy, Mác coi chuyên chính vô sản chỉ là phương tiện để đi tới một xã hội không giai cấp, là phương tiện để giải phóng giai cấp công nhân và toàn xã hội khỏi áp bức và bóc lột, chứ không phải là mục đích.
Vì vậy ông Chính hoàn toàn xuyên tạc khi nói rằng "các đảng cộng sản cầm quyền coi chuyên chính vô sản là bửu bối tuyệt hảo, là vũ khí chuyên chính tuyệt đối, đắc dụng, mạnh mẽ nhất...", hoặc "các đảng cộng sản cầm quyền tùy nghi, duy ý chí sáng tạo ra xã hội chủ nghĩa bằng chuyên chính vô sản cực đoan, hà khắc nhất, phi pháp nhất trong lịch sử nhân loại".
Chúng ta không phủ nhận việc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, ở nước này nước kia, lúc này, lúc khác đã phạm phải những sai lầm đáng tiếc trong việc sử dụng bạo lực trấn áp.
Tuy nhiên, sai lầm đó không phải bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác, ông Chính không có quyền gán cho chủ nghĩa Mác. Ông Chính bịa đặt ra con số hàng chục triệu người chết ở Liên Xô, trong khi đó ông lờ đi những tội ác tày trời mà chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa phát xít do chủ nghĩa tư bản sinh ra đã gây ra cho toàn nhân loại và các dân tộc trong đó có dân tộc Việt Nam.
Ông Chính thật hồ đồ khi nói rằng "Englels đã từng hết lời ca ngợi rằng "chuyên chính vô sản là sáng tạo vĩ đại nhất của Marx"; rằng "ngoài nguyên tắc duy nhất và trần trụi đó, Marx không nói gì được thêm nữa" (!).
Ông dựa vào đâu mà nói xằng bậy như vậy?
Ông Chính là người đã được nghiên cứu có hệ thống chủ nghĩa Mác - Lênin ở Liên Xô trước đây, đã từng nhiều năm nghiên cứu Triết học mác- xít. Vậy há ông không biết rằng chủ nghĩa Mác là một hệ thống chỉnh thể gồm có 3 bộ phận cấu thành là triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học; là một hệ thống các quy luật và phạm trù phản ánh một cách sâu sắc và phong phú thế giới khách quan?
Ông cũng há không biết rằng trong Điếu văn đọc trước mộ Mác, Ph.Ăng- ghen đã đánh giá rằng Mác có 2 phát minh vĩ đại là 1) quan niệm duy vật về lịch sử và 2) học thuyết giá trị thặng dư.
Nhờ 2 phát minh vĩ đại đó, Mác đã biến chủ nghĩa xã hội từ không tưởng thành khoa học. Đồng thời khi nói rằng “ngoài nguyên tắc duy nhất và trần trụi đó, Marx không nói gì được thêm nữa” thì chính ông đã tự mâu thuẫn với mình khi ở phần đầu báo cáo ông phải thừa nhận rằng “nhà bác học tài ba Karl Marx...đã thành công trong việc phê phán mặt trái của công nghiệp tư bản chủ nghĩa, đặc biệt là với tác phẩm đồ sộ mang tên “Tư bản” của ông”.
Chỉ riêng với thành công như vậy, theo như ông Chính thừa nhận, thì cũng là quá tài giỏi rồi, huống hồ Mác lại là nhà bác học thiên tài đã cống hiến cho nhân loại một học thuyết vĩ đại, mang tính nhân văn sâu sắc mang tên ông – CHỦ NGHĨA MÁC.
Vì vậy, không phải ngẫu nhiên gần đây, chương trình “Thời đại chúng ta” trên sóng phát thanh Radio 4 tại Anh đã tổ chức cuộc thăm dò xã hội bình chọn triết gia vĩ đại nhất của nhân loại; và trong số 20 triết gia vĩ đại được giới thiệu, Mác được bình chọn là triết gia vĩ đại nhất của nhân loại từ trước đến nay, bởi những cống hiến khoa học xuất sắc của ông, trong đó có trước tác vĩ đại, bộ “Tư bản” và “Tuyên ngôn của Đảng Cộng Sản” (viết cùng Ph.Ăng ghen).
Nhận xét về kết quả bình chọn trên, giáo sư An-đờ-riu Chít-ty thuộc trường đại học Tổng hợp Xa-xếch (University of Sussex) ở Anh, một chuyên gia hàng đầu nghiên cứu học thuyết Mác, cho rằng, xã hội hiện đại vẫn cần tiếp tục đánh giá chủ nghĩa Mác như một hệ thống triết học nghiêm túc nhất của loài người.
Hoặc bạn đọc ở Việt Nam đều đã biết, nhà triết học nổi tiếng Pháp J.Đê-ri-đa trong tác phẩm “Những bóng ma của Mác” đã khẳng định rằng, Mác không chỉ là nhà tư tuởng của thế kỷ XX mà còn là nhà tư tưởng của thế kỷ XXI, rằng nhân loại không thể thiếu Mác.
Mới chỉ kể như vậy thôi cũng đã thấy rằng những ý kiến của ông Hoàng Minh Chính đánh giá về Mác thật lạc lõng biết bao! Ông dùng đủ mọi từ xấu xa, tệ hại để gán cho học thuyết Mác.
Ông nói: “Học thuyết tư biện của Marx mang tính phản lịch sử, phản khoa học, duy ý chí, cực đoan cực tả nhưng lại phù hợp với giai cấp vô sản các nước đang cơn thất vọng”.
Một học thuyết “phản lịch sử, phản khoa học” như vậy mà tại sao lại được thế giới đánh giá cao, lại “có tác dụng rất to lớn trong việc hình thành trong các Đảng cộng sản và công nhân, tập hợp phong trào cộng sản thành Quốc tế cộng sản và ảnh hưởng rất rộng lớn tới xã hội loài người trong một thế kỷ rưỡi qua” như chính ông đã thừa nhận thì ông Chính lại không thể nào giải thích nổi.
Ông Chính chắc đã đọc nhiều sách của Mác , Ăng –ghen, Lê-nin, song ông vẫn cố tình không hiểu. Ông nói “chuyên chính vô sản không là cái gì khác ngoài bạo lực”, “Marx đã đặt công khai niềm tin tuyệt đối vào bạo lực”.
Trên thực tế Mác không bao giờ sùng bái bạo lực; đối với Mác bạo lực không phải là cứu cánh, là mục đích, bạo lực chỉ là phương tiện, là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới trong lòng.
Người cộng sản chỉ dùng bạo lực khi cần thiết để đáp trả lại bạo lực phản cách mạng. Lê-nin đã nhiều lần nhấn mạnh rằng chuyên chính vô sản không phải chỉ là bạo lực và cũng không phải chủ yếu là bạo lực, mà chủ yếu là tổ chức xây dựng, là đưa ra một kiểu tổ chức xã hội của lao động mới cao hơn, là chế độ dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản.
Nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp, của chuyên chính vô sản theo quan niệm của Đảng cộng sản Việt Nam không phải là trấn áp, bạo lực mà là tổ chức xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa.
Ở Việt Nam “nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp trong giai đoạn hiện nay là thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa, khắc phục tình trạng nước nghèo, kém phát triển; thực hiện công bằng xã hội, chống áp bức, bất công; đấu tranh ngăn chặn và khắc phục những tư tưởng và hành động tiêu cực, sai trái; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng nước ta thành một nước xã hội chủ nghĩa phồn vinh, nhân dân hạnh phúc”. (4)
Với nội dung chủ yếu của đấu tranh giai cấp được quan niệm như vậy thì chắc là mọi người dân Việt Nam yêu nước đều đồng tình chứ nó không phải là “con ngáo ộp” mà ông Chính muốn đem ra để hù dọa những người yếu bóng vía.
Khi trích dẫn lời của Mác trong “Tuyên ngôn” về “xóa bỏ chế độ tư hữu” ông Chính lại xuyên tạc thành “Marx đã chủ trương xóa bỏ các hình thái kinh tế - xã hội hiện hữu để trên mảnh đất sạch sẽ đó mà xây dựng chủ nghĩa cộng sản”.
Ở đây ông Chính muốn biến Mác thành nhà xã hội chủ nghĩa không tưởng, người theo chủ nghĩa hư vô. Là nhà duy vật biện chứng vĩ đại nên “Mác đặt vấn đề chủ nghĩa cộng sản giống như một nhà tự nhiên học đặt, chẳng hạn, vấn đề tiến hóa của một giống sinh vật mới, một khi đã biết nguồn gốc của nó và định được rõ rệt hướng của những biến đổi của nó. (5)
Đối với Mác “chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo” mà là “một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra. (6)
Mác phân tích hết sức khoa học sự phát triển của xã hội mới, dự báo một cách thiên tài 2 giai đoạn lớn của xã hội cộng sản. Nhiệm vụ khoa học của Mác không phải vạch ra mô hình của xã hội mới với mọi chi tiết của nó. Lê-nin cho rằng: “Trong tài liệu của Mác người ta không thấy mảy may một ý định nào nhằm bịa ra những ảo tưởng nhằm đặt ra những dự đoán vu vơ về những điều mà người ta không thể nào biết được”. (7)
Mác đã vạch ra mối liên hệ biện chứng giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội: Chủ nghĩa xã hội ra đời từ chủ nghĩa tư bản, trên cơ sở phủ định biện chứng chủ nghĩa tư bản, kế thừa những thành tựu của chủ nghĩa tư bản (cả về kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục- đào tạo, văn hóa, pháp quyền v.v..), phát triển cao hơn chủ nghĩa tư bản.
Về sau này, trong những năm 20 của thế kỷ XX, vận dụng tư tưởng biện chứng của Mác về mối liên hệ biện chứng giữa xã hội tư bản và xã hội xã hội chủ nghĩa, Lê-nin nêu lên một công thức về kế thừa xã hội tư bản như sau: Dùng cả 2 tay mà lấy những cái tốt của nước ngoài: Chính quyền Xô-viết + Trật tự đường sắt Phổ + Kỹ thuật, cách tổ chức các tờ-rớt Mỹ + Ngành giáo dục Quốc dân Mỹ, v.v... = tổng số, tổng kết lại = chủ nghĩa xã hội.
Mặc dù trong thời đại của mình, Mác chưa được chứng kiến chủ nghĩa xã hội hiện thực, song không vì thế mà khẳng định Mác "không thành công trong việc sáng tạo ra chủ nghĩa cộng sản", như ông Chính cao giọng đăng đàn ở Mỹ...
Lê Hồng(Tạp chí Cộng sản)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.