(HNM) - Sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội công bố môn thi thứ tư vào lớp 10 trung học phổ thông công lập năm học 2019-2020 là lịch sử, nhiều học sinh khá lo lắng bởi đây vốn được coi là môn học khó.
Học sinh dự tuyển vào lớp 10 công lập năm học 2019-2020 tại Hà Nội sẽ phải làm đủ bốn bài thi. Ảnh: Khuê Diệp |
Phải làm đủ bốn bài thi
Theo kế hoạch, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông (THPT) công lập năm học 2019-2020 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày 2 và 3-6-2019. Đây là năm đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển với bốn môn, gồm ngữ văn, toán, ngoại ngữ và lịch sử; trong đó có ba môn đã được công bố từ đầu tháng 10-2018, nên về cơ bản học sinh đã chủ động ôn luyện và môn thi thứ tư là lịch sử, vừa được công bố ngày 11-3-2019.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) lưu ý, ngoài việc học tập, ôn luyện, học sinh cần ghi nhớ những quy định liên quan đến kỳ thi, nhất là quy định về quyền lợi, nguyện vọng và trách nhiệm của mình, tránh những sai sót đáng tiếc.
Một trong những quy định học sinh cần nhớ khi dự tuyển vào lớp 10 THPT công lập trên địa bàn Hà Nội năm học 2019-2020 là phải làm đủ bốn bài thi: Ngữ văn, toán, ngoại ngữ, lịch sử. Ông Phạm Quốc Toản nhấn mạnh, Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đưa vào diện xét tuyển những học sinh bảo đảm đủ ba điều kiện: Có đủ số bài thi theo quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức bị hủy kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0.
Trước thông tin cho rằng, học sinh tham gia dự tuyển vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 chỉ được đăng ký một nguyện vọng vào trường công lập, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội khẳng định: Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai trường THPT công lập, song hai trường này phải thuộc cùng một khu vực tuyển sinh.
Tuy nhiên, nếu học sinh ở khu vực tuyển sinh này lại muốn dự tuyển vào trường công lập ở khu vực tuyển sinh khác, thì vẫn được phép, nhưng cần có đơn xin thay đổi khu vực tuyển sinh và khi đăng ký dự tuyển không được đăng ký nguyện vọng vào hai trường công lập ở hai khu vực tuyển sinh khác nhau. Còn khoảng một tháng nữa là tới thời điểm học sinh làm hồ sơ đăng ký nguyện vọng dự tuyển, học sinh và gia đình cần nắm rõ điều này để có lựa chọn phù hợp.
Sách giáo khoa là tài liệu chính
Là trường có “đầu vào” cao, điểm trung bình môn lịch sử của học sinh Trường Trung học cơ sở (THCS) và THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy) không có nhiều chênh lệch so với các môn khác, song việc lịch sử có tên trong danh sách 4 môn thi vào lớp 10 năm học tới vẫn khiến không ít học sinh lo lắng.
Cô giáo Lê Thị Thu, giáo viên môn lịch sử cho biết: "Tâm lý lo lắng của học sinh là điều dễ hiểu, song các em không nên quá hoang mang. Hơn nữa, phạm vi đề thi cũng đã được xác định rõ là theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THCS hiện hành, chủ yếu là ở lớp 9, bởi vậy, các em cần bình tĩnh và ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên".
Theo cô giáo Lê Thu Hương, giáo viên Hệ thống Hocmai, cấu trúc đề tham khảo đã được công bố, bài thi trắc nghiệm môn lịch sử gồm 40 câu hỏi, phạm vi kiến thức thuộc chương trình lớp 9, trong đó phần lịch sử Việt Nam chiếm 70%, còn lại là phần lịch sử thế giới. Dù chiếm số lượng ít, nhưng các em cần lưu ý phần lịch sử thế giới, bởi đa phần câu hỏi ở phần này đều khá dễ lấy điểm.
Theo ghi nhận tại các nhà trường, có khá nhiều phụ huynh, học sinh mua tới ba - bốn loại sách tham khảo về ôn thi trắc nghiệm môn lịch sử. Câu hỏi: “Nên hướng dẫn con ôn tập môn này thế nào cho hiệu quả? Tôi rất hoang mang bởi số tài liệu tham khảo khá nhiều, trong khi ở lớp chỉ thấy thầy, cô giáo dạy theo sách giáo khoa, cũng không phổ biến việc đi học thêm” của bà Nguyễn Quỳnh Anh (phụ huynh học sinh Trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa) cũng là sự băn khoăn chung của nhiều phụ huynh có con đang học lớp 9.
Để giải tỏa mối lo này, ông Kiều Văn Minh, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) giải đáp: "Với phạm vi kiến thức đề thi của các môn đã được công bố, các em không cần thiết phải đến lò luyện mà nên học theo hướng dẫn của giáo viên và lấy sách giáo khoa làm tài liệu chính, mọi loại sách khác chỉ có tác dụng tham khảo. Riêng với môn lịch sử, các em cần chú ý trả lời hết các câu hỏi ở cuối mỗi bài, ghi nhớ nội dung các bài tổng kết để khái quát kiến thức, rèn luyện tư duy phân tích, song không học tủ, học lệch, bởi đề thi theo hình thức trắc nghiệm đòi hỏi kiểm tra kiến thức tổng hợp".
Hà Nội không tổ chức thi thử hoặc khảo sát chất lượng học sinh lớp 9 năm học 2018-2019, mà giao cho các phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc triển khai kế hoạch học tập, ôn luyện của học sinh các trường THCS trên địa bàn. Học sinh lưu ý bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và cấu trúc đề thi tham khảo; tăng cường kết hợp việc tự kiểm tra của học sinh với kiểm tra của nhóm, lớp và của toàn trường; chú trọng việc thu nhận thông tin phản hồi về kết quả học tập để kịp thời có sự điều chỉnh trong dạy và học. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.