Một số bệnh nhân vì tin vào những lời khuyên ở trên mạng đã tự ý chữa bệnh đến khi bị biến chứng nguy hiểm mới hốt hoảng tìm đến bệnh viện
Thời gian gần đây, một số bác sĩ ở các bệnh viện liên tục than thở về tình trạng nhiều bệnh nhân vì tin vào những lời khuyên ở trên mạng đã tự ý chữa bệnh. Chỉ đến khi bị biến chứng nguy hiểm mới hốt hoảng tìm đến bệnh viện. Ðiều đáng nói là ngày càng nhiều người cứ mỗi lần lo lắng về sức khỏe là vào Google để tìm ra một bài thuốc hay một số chỉ dẫn để điều trị cho căn bệnh của mình. Bị bệnh: chỉ cần… click, search! Vì thế đã có không ít trường hợp “dở khóc dở cười” khi chữa bệnh qua mạng...
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe nên tìm đến “bác sĩ thật” khám trực tiếp
Nhanh + miễn phí = “bác sĩ google”
Anh Trần Quang Minh (ngụ ở Bình Dương) có con bị sổ mũi thường xuyên. Mỗi lần đi bác sĩ, lần nào cũng được cho kháng sinh, long đờm, kháng viêm và tiêu đờm. Anh thấy uống vài ngày bớt, sau đó lại tái lại. Mỗi lần đưa con đi khám như thế anh phải xin nghỉ phép nghỉ mất một buổi làm. Thời gian gần đây, anh vào Google, tìm hiểu thấy nhiều bài viết hay và triệu chứng cũng giống hệt con anh, nên anh bê nguyên toa thuốc đó ra tiệm thuốc Tây mua về cho con uống được vài ngày thì bớt. Anh cứ cho mình làm đúng và còn khoe với bạn bè: “Con tôi bệnh là một tay tôi chữa, đi bác sĩ vừa mất thời gian lại còn phải chờ đợi, cứ vào Google là có tất cả”. Kết quả, tuần rồi con anh phải vào cấp cứu vì bị viêm phổi do để ho kéo dài và sử dụng thuốc kháng sinh không đúng liều.
Cũng chỉ vì tin vào “bác sĩ” internet mà anh Nguyễn Hoàng Thanh, nhân viên quản lý mạng một công ty máy tính ở quận 9, TP.HCM đã phải hối hận khi dùng thuốc không đúng bệnh trong một thời gian dài. Anh Thanh kể lại: “Thấy ở cơ quan, một số chị em cứ có bệnh lại lên mạng tra Google nên cách đây 5 tháng sưng đau hai bàn chân không đi được, tôi đã thử vào Google tìm hiểu những biểu hiện trên của mình. “Bác sĩ mạng” kết luận rất có thể tôi bị mắc bệnh viêm đa khớp. Thấy có vẻ đúng, tôi đã mua thuốc đau khớp về uống và nhờ người đến tiêm một ống thuốc viêm thẳng vào mắt cá chân. Kết quả là sau một thời gian bệnh không những không thuyên giảm mà còn khó chịu hơn, kèm theo những cơn đau co thắt ở dạ dày hành hạ mỗi đêm. Không thể chịu đựng hơn được nữa, tôi đã tìm đến bác sĩ chuyên khoa để khám bệnh thì được biết mình bị bệnh Gout. Do không có phương pháp điều trị ngay từ đầu, cộng với việc ăn uống không khoa học nên bệnh của tôi đã ở mức rất nặng…”.
Theo một số liệu khảo sát 1.300 kết quả tìm kiếm trên trang Google của bệnh viện Sacramento (bệnh viện lớn nhất bang California, Mỹ) liên quan đến những thông tin về sức khỏe và việc khám bệnh, các nhà nghiên cứu phát hiện chỉ 43,5% website cung cấp thông tin chính xác. Phần còn lại thì sai hoặc không thỏa đáng. Bác sĩ Trần Dương Tiến, Bệnh viện Tim Trung ương, đặt vấn đề: "Chuyện gì xảy ra nếu một bệnh nhân phát hiện thấy một khối lạ trên người mình, và đọc trên mạng rằng đó có thể là một u nang?", Bệnh nhân đó có thể không đi gặp bác sĩ, để rồi vài tháng sau phát hiện ra rằng đó là u ác tính, lúc ấy muốn chữa trị cũng khó mà lành được. Bác sĩ Tiến cũng cho biết nhiều bệnh nhân đến gặp ông với những sản phẩm chăm sóc sức khỏe mà họ đọc được trên mạng rồi khi có vấn đề thì mới chạy tìm bác sĩ.
Bác sĩ thật nói gì về “bác sĩ Google”
Chia sẻ về vấn đề này, bác sỹ Quang Hải, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội, cho biết: “Trong nhiều năm tham gia khám chữa bệnh, không ít lần các bệnh nhân thừa nhận đã từng dùng một số loại thuốc trước khi đến bệnh viện để khám. Khi được hỏi thuốc đó do bác sĩ ở bệnh viện nào kê thì hầu hết bệnh nhân đều trả lời rằng tự tìm kiếm thông tin thuốc trên mạng dựa theo các triệu chứng biểu hiện bên ngoài của mình. Còn khi được hỏi: "Tại sao tự chữa bệnh theo kiểu “liều” như vậy?" thì rất nhiều bệnh nhân trả lời rằng, họ nghĩ bệnh của mình đơn giản hoặc thấy mọi người cũng thường chữa bệnh như vậy”.
Bác sĩ Hải cho biết thêm: Nhiều bệnh nhân cứ có biểu hiện sốt, lạnh run, sổ mũi là nghĩ ngay đến cúm thông thường và tự mua thuốc uống. Nhưng đến khi bệnh không đỡ mà còn rơi vào tình trạng nặng hơn thì mới chuyển đến bệnh viện. Điều này chứng tỏ việc tự ý mua thuốc chữa bệnh dù qua internet hay gì đi nữa cũng rất nguy hiểm. Bởi các thông tin đưa trên internet rất tràn lan, có thông tin đúng, có thông tin không đúng. Những người bệnh thì không phải lúc nào cũng định hướng được đâu là thông tin chính xác để áp dụng.
Bác sĩ Hà Thanh Bình, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM khuyến cáo: “Tự dùng thuốc luôn hàm chứa mối đe dọa nguy hiểm vì nó có thể trở thành sự lạm dụng thuốc một cách tự ý mà lại không có sự hiểu biết kèm theo, có thể đưa đến tác hại khôn lường. Bệnh nhẹ trở thành nặng vì không được chữa trị đúng cách, dùng thuốc không đúng che lấp dấu hiệu “cấp cứu ngoại khoa” (tức là phải được nhập viện để được mổ gấp). Còn dùng đơn thuốc của người khác (nhất là đơn thuốc tham khảo trên mạng) để tự chữa bệnh cũng là việc làm sai. Bởi vì, một đơn thuốc luôn có nghĩa, đó là “dành cho một cá nhân cụ thể được dùng trong một thời điểm cụ thể - bệnh của người này có vẻ na ná giống người kia nhưng thuốc dùng chữa trị lại hoàn toàn khác nhau, dùng nhầm có khi là nguy hiểm”.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Đức, Đại học Y dược TP.HCM, cho biết: “Cần ghi nhớ rằng, dược phẩm luôn gắn liền với kinh doanh. Vì vậy không loại trừ nhiều thông tin về dược phẩm đã “bị nhiễu” vì mục đích kinh doanh, lợi nhuận. Nhất là trên Internet, mức độ quảng cáo rất rộng nên thông tin về dược phẩm càng dễ bị nhiễu”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.