Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ốc đảo” Vân Hà mùa trái chín

Nguyễn Mai| 01/01/2011 09:11

(HNM) - Con đường bê tông chạy qua lòng sông mùa nước cạn dẫn chúng tôi đến xã Vân Hà (Phúc Thọ). Mặc dù đã được các đồng chí lãnh đạo huyện giới thiệu


Nếu nói về khó khăn thì có lẽ không xã nào trong huyện Phúc Thọ lại xa xôi, cách trở như Vân Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Xuân Phú mở đầu câu chuyện với chúng tôi bằng một câu như thế. Ngược dòng thời gian, khoảng những năm 1968 trở về trước, người Vân Hà định cư phía bờ tả của sông Hồng thuộc địa phận huyện Mê Linh ngày nay. Thuở ấy, sông Hồng hung dữ lắm. Chỉ trong 3 năm từ 1968 đến 1970, toàn bộ diện tích đất của xã đã bị lở xuống sông. Hơn 6.000 hộ dân Vân Hà lúc bấy giờ đã phải ly hương đi xây dựng quê hương mới ở khắp các vùng Ba Trại (Ba Vì), Tất Thắng, Chí Cao ở huyện Thanh Sơn (Phú Thọ), một số phải lên Tuyên Quang, vào Lâm Đồng lập nghiệp. Chỉ một phần ba số dân Vân Hà khi đó chuyển về bãi giữa sông Hồng lập làng. Cuộc sống ở vùng đất mới khi đó gặp rất nhiều khó khăn, 400 hộ, gần 2.000 nhân khẩu, ngành nghề phụ không có, đời sống người dân trong xã "ba chìm bảy nổi" theo con nước.

Đất nông nghiệp đã ít, sản xuất nông nghiệp của xã cũng chẳng thuận hòa bởi đồng đất Vân Hà chủ yếu là cát pha không thể cấy lúa mà chỉ trồng ngô nên không mấy ai dám nghĩ đến chuyện làm giàu. Mùa khô đã vậy, mùa mưa còn khó khăn gấp bội bởi mọi giao thương đều phải bằng thuyền bè. Theo cách tính của người dân Vân Hà, một năm có tới 4 tháng chỉ lo chống lũ bão, 8 tháng còn lại phải làm việc bằng hai. Vân Hà như một "ốc đảo" nằm giữa dòng nước cuồn cuộn chảy ồn ào suốt ngày đêm...

Đất khó chẳng phụ công người

Ngày giáp Tết, đi trên con đường của 2 thôn Bãi Cháy, Bãi Đồn thấy thật sảng khoái bởi mùi hương cam, bưởi thơm ngát tỏa ra từ các vườn cây ăn trái. Chủ tịch UBND xã Đặng Văn Tèo tâm sự: Không cam chịu trước cái nghèo, Đảng ủy, UBND, HTX nông nghiệp cùng họp bàn cách xóa đói giảm nghèo, tìm ra phương pháp thích hợp để đưa cây trồng vật nuôi vào gieo trồng, phủ xanh những vùng đất khó. Vậy là cây cam Canh, bưởi Diễn bắt đầu được du nhập vào đồng đất Vân Hà. Nếu như thời điểm năm 2000 toàn xã mới chỉ có 1-2ha thì đến nay đã có tới trên 30ha đất vườn hộ gia đình hoa trái trĩu cành cho thu nhập cao. Điều đáng nói trong việc đưa cây ăn quả vào đồng đất Vân Hà là các cán bộ cấp ủy, chính quyền địa phương không ngại ngần đi đầu trong cải tạo vườn tạp thành vườn cây ăn quả. Ví dụ như Phó Chủ tịch UBND xã Đặng Xuân Phú có trên 3 sào trồng cam, bưởi cho thu nhập 100 triệu đồng mỗi năm. Để "mục sở thị" chúng tôi đến thăm vườn cây của cán bộ MTTQ xã Hoàng Thế Tài. Ngay từ đầu ngõ chúng tôi đã choáng ngợp bởi vườn bưởi sai trĩu quả, vàng óng. Anh Tài cho biết: Trên diện tích 4 sào đất vườn, năm 2001 anh bắt đầu trồng hơn 200 cây cam Canh, bưởi Diễn. Cũng lo lắm bởi là cán bộ của xã thường xuyên đi vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng mà mình lại làm không nổi thì ai tin. Vậy là, ngoài giờ làm việc anh chỉ quẩn quanh với những gốc cam, gốc bưởi. Như chẳng phụ công anh, vườn cây của gia đình anh đã ra hoa kết trái được 7 năm. Vụ đầu tiên anh thu được trên chục triệu đồng, đến năm 2005 thì vườn cây gia đình anh đã cho thu trên 50 triệu đồng và nay thì đạt hơn 100 triệu đồng...

Hiện cả xã có khoảng 216 hộ gia đình phát triển kinh tế vườn, chủ yếu là cam Canh, bưởi Diễn. Trong đó có gần 100 hộ có diện tích vườn lớn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cây ăn quả chỉ mới được đưa vào "ốc đảo" có mấy năm mà hiệu quả là vậy thì tại sao nông nghiệp lại không thể xóa thế độc canh cây ngô. Từ suy nghĩ đó, năm 2007, cuộc "cách mạng" dồn ô đổi thửa ở Vân Hà được triển khai. Toàn bộ đất sản xuất nông nghiệp của xã rộng 60ha, (mỗi hộ có khoảng 10 mảnh) đã được người dân tự nguyện góp vào chia lại để nhận về một đến hai mảnh. Trên những thửa ruộng thẳng cánh cò bay, xã đã quy hoạch thành hai vùng sản xuất tập trung, vùng cao giáp làng chuyển sang trồng bưởi và vùng thấp trồng rau mầu. Đến nay, Vân Hà có khoảng 30ha trồng nhiều loại rau mầu khác nhau như cà chua, rau cải củ, cải ngọt, bí đỏ… Trong đó, cây cà chua thích hợp với đất bãi phù sa, lớn nhanh, sai quả được trồng trên diện rộng (12ha) cho hiệu quả kinh tế cao. Một sào trồng ngô trước đây chỉ cho thu nhập chưa đầy 1 triệu đồng thì cây rau mầu đã cho thu nhập 13-15 triệu đồng/vụ. Chiều chiều, trên cánh bãi Vân Hà lại có ba, bốn ô tô tải về thu gom hàng tấn rau cung cấp cho người dân Thủ đô.

Những đổi thay trong cơ cấu cây trồng đã tạo nên một bộ mặt mới cho "ốc đảo" Vân Hà. Xuân mới sắp về, Vân Hà cũng sắp có cầu bê tông bắc qua con lạch sông Hồng. Vậy là chỉ trong nay mai, giao thông về xã sẽ được nối liền ngay cả trong mùa nước, không chỉ thuận lợi cho con trẻ tới trường mà còn tạo điều kiện cho nông sản của địa phương vươn xa hơn nữa.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Ốc đảo” Vân Hà mùa trái chín

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.