Theo dõi Báo Hànộimới trên

Oằn mình trước mùa mưa bão

Nhóm PV NN-NT| 18/05/2010 05:50

(HNM) - Tuyến đê Tiên Tân trên địa bàn huyện Đan Phượng trước đây đẹp là thế, vậy mà chỉ thời gian ngắn đã chẳng khác gì manh áo vá loang lổ. Một trong những nguyên nhân khiến mặt đê này xuống cấp không phanh là nó

Tuyến đê Tiên Tân dài 7km, mặt đê 7m chạy song song với tuyến đê hữu Hồng, đây là trục giao thông phát triển kinh tế của nhiều xã trên địa bàn huyện Đan Phượng, vì thế lưu lượng xe vận tải chạy trên tuyến đê này rất nhiều. Từ các năm 2005-2006, mặt đê được kiên cố hóa vững chắc, nhu cầu dịch vụ vận tải trên tuyến đê này ngày càng tăng. Theo phản ánh của người dân địa phương, trung bình mỗi ngày tuyến đê này gánh chịu vài trăm lượt xe tải qua lại thường trong tình trạng quá trọng tải quy định. Nhiều xe cõng hàng chục tấn vật liệu xây dựng. Nguy hiểm hơn, vì tư lợi cá nhân và cạnh tranh giữa các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật liệu xây dựng hay san lấp mặt bằng nên các tài xế không ngần ngại chạy nhanh, chạy ẩu làm đất, vật liệu rơi xuống mặt đê khiến người dân tham gia giao thông luôn trong tình trạng bất an, bởi rất dễ xảy ra tai nạn.

Ngày đầu tuần, khi có mặt trên tuyến đê này, chúng tôi được chứng kiến hàng chục xe ô tô trọng tải lớn chở lặc lè cát nối đuôi nhau chạy xuôi ngược, xả khói bụi mù mịt vào người đi đường. Chị Nguyễn Thị Ngát, người dân xã Hồng Hà (Đan Phượng) bức xúc: "Ngày nào cũng vậy chúng tôi phải hưởng bầu không khí ngột ngạt vì cát, khói xe, còi inh ỏi và tình trạng này xảy ra nhiều vào mùa xây dựng". Vì vậy, mặt đê Tiên Tân vừa mới đưa vào sử dụng thời gian ngắn đã bị hư hỏng nặng là điều dễ hiểu.

Ông Nguyễn Thạc Hùng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đan Phượng cho biết, do mặt đê bị xuống cấp nhanh nên tháng 10-2009, buộc các phòng tham mưu giúp việc huyện phải làm tờ trình báo cáo kinh tế kỹ thuật sửa chữa mặt đê Đan Phượng - Tiên Tân. Theo Quyết định số 1629/QĐ-UBND ngày 31-10 của UBND huyện Đan Phượng, tổng mức đầu tư sửa chữa mặt đê tại một số vị trí bị vỡ, nứt ảnh hưởng đến công trình đê Đan Phượng - Tiên Tân là hơn 525 triệu đồng.

Ai chịu trách nhiệm?
Thủ phạm chính phá nát một số vị trí tuyến đê Tiên Tân là xe chở quá tải, quá khổ. Tuy nhiên, bên cạnh nguyên nhân này liệu có còn nguyên nhân khác như: chất lượng công trình có vấn đề hoặc không được khảo sát kỹ trước khi thi công? Nếu tuổi thọ của một công trình xây dựng với mục đích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, vừa mới hoàn thành đưa vào sử dụng được khoảng 3 năm phải sửa chữa vì hư hỏng quá nặng cũng rất cần xem xét lại? Dự luận đặt ra câu hỏi, phải chăng trong quá trình thực hiện dự án bị thả nổi nên vốn tuyến đê trước đây nhiều ổ voi, ổ trâu, nền đất đã sụt sạt không được xử lý tốt càng xuống cấp nặng thêm?

Ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội cho rằng, tuyến được đổ bê tông rất dày khoảng 35cm, kinh phí cứng hóa mặt đê này tốn kém khoảng 14-15 tỷ đồng do UBND huyện Đan Phượng làm chủ đầu tư. Cũng theo ông Đỗ Đức Thịnh, trong trường hợp một số vị trí mặt đê Tiên Tân bị xuống cấp nên xem xét hai nguyên nhân: Do chịu sự tàn phá của xe quá trọng tải hoặc thiết kế chưa bảo đảm yêu cầu khi đưa vào phục vụ giao thông. Việc một số vị trí đê Tiên Tân bị xuống cấp, hư hỏng, chi cục đã báo cáo sẽ đưa vào tu bổ trong thời gian tới, kịp thời phục vụ công tác phòng, chống lụt bão.

Trong khi chờ các cơ quan xác định nguyên nhân hư hỏng tại một số vị trí trên tuyến đê Tiên Tân, đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường xử lý các trường hợp xe ô tô chở quá trọng tải cho phép theo phản ánh của người dân để bảo vệ mặt đê.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Oằn mình trước mùa mưa bão

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.