(HNMO) - Theo các số liệu tổng kết thị trường ô tô công bố trong hai ngày 10 và 11-6, các mẫu xe Hàn Quốc hoàn toàn áp đảo đối thủ Nhật Bản.
Cụ thể, với 6.053 xe bán ra trong tháng vừa qua, Hyundai vượt xa đối thủ Toyota – vốn chỉ bán được khoảng 5.139 xe. Tính từ đầu năm 2021, tổng cộng 28.477 xe Hyundai các loại đã tới tay người tiêu dùng Việt, nhiều hơn đáng kể con số 24.112 xe của Toyota (không tính Lexus).
Những mẫu xe đóng góp doanh số cao nhất cho Hyundai tại Việt Nam trong tháng vừa qua là Accent (1.620), Santa Fe (1.288 xe) và Grand i10 (953 xe). Đây cũng là những lá bài mang tính chiến lược giúp TC Motor mở rộng thị phần suốt nhiều năm trở lại đây.
Bên kia sàn đấu, hãng xe Hàn Quốc KIA (do THACO lắp ráp và phân phối) cũng vượt mặt Honda, với 3.336 xe bán ra (cộng dồn doanh số từ đầu năm đạt 18.266 xe), đứng thứ ba thị trường. Những mẫu xe bán chạy nhất của hãng là Seltos (1.080 xe), Cerato (875 xe).
Về phần mình, Honda Việt Nam cho biết chỉ bán được 1.423 xe trong tháng 5-2021, giảm 26,2% so với tháng 4 và giảm 47,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sedan cỡ nhỏ City là sản phẩm bán tốt nhất với 584 chiếc tới tay khách hàng, chiếm 41% tổng doanh số.
Ngoài hai ông lớn nói trên, hầu như các thương hiệu còn lại của Nhật Bản đều có doanh số khá thấp, một phần do không có nhiều mẫu xe thu hút được người tiêu dùng trong nước. Tháng 5, Mazda không có mẫu xe nào lọt vào nhóm 10 sản phẩm bán chạy nhất tại Việt Nam. Trong khi đó, Triton, Navara dù là sản phẩm chiến lược chủ chốt của Mitsubishi và Nissan tại Việt Nam, nhưng lâu nay luôn bị Ford Ranger “đè bẹp”. Thị phần sedan, hatchback hay crossover đều rơi vào tay các đồng hương Toyota, Honda và các đối thủ Hàn Quốc. Đặc biệt, một số phân khúc giá rẻ như hatchback cỡ A thậm chí chứng kiến thị phần xe Hàn Quốc chiếm tới gần 80%.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên là việc các hãng xe Hàn Quốc thời gian qua luôn áp dụng mức giá bán vô cùng cạnh tranh. Ngay giai đoạn đầu tháng 6, nhiều đại lý giảm giá cho Kia Cerato từ 45-60 triệu đồng, đưa giá bán thực tế xuống chỉ còn từ 499 triệu đồng. Điều này đồng nghĩa mẫu sedan cỡ C này có giá bán chỉ tương đương Honda City E ở phân khúc thấp hơn, thậm chí chỉ nhỉnh hơn phiên bản số sàn của một số mẫu xe hạng B khác.
Cũng theo một số chuyên gia ô tô, người tiêu dùng trong nước - đặc biệt là giới trẻ - giai đoạn hiện nay có xu hướng đề cao ngoại hình và tuỳ chọn tiện nghi khi mua xe mới. Đây lại là hai thế mạnh của ô tô Hàn Quốc so với các đối thủ Nhật Bản.
Trong triết lý thiết kế và sản xuất của các thương hiệu đất nước mặt trời mọc, tính thực dụng, sự bền bỉ được quan tâm nhiều hơn, dẫn tới lơ là trong cách tân thiết kế và bổ sung trang thiết bị tiện nghi. Vì thế, xe Nhật Bản đang chứng kiến thị phần bị thu hẹp. Sức ép cạnh tranh ngày càng gắt gao hơn, khi những thương hiệu châu Âu ngày càng đưa ra những gói hỗ trợ tài chính tốt hơn, trong khi “lính mới” như VinFast liên tục xâm chiếm thị trường với những cú ra đòn hết sức lợi hại.
Nói như vậy không có nghĩa là xe Nhật Bản hết hy vọng. Ưu điểm sở trường như giữ giá, ít gặp rủi ro trong vận hành, tính tin cậy cao và độ bền theo thời gian vượt trội vẫn là thế mạnh không thể phủ nhận của những chiếc xe Toyota, Honda, Nissan... Thế nhưng, làm thế nào để chinh phục khách hàng chỉ bằng trải nghiệm ban đầu và những số liệu trên giấy vẫn là một bài toán khó đối với các thương hiệu Xứ sở hoa anh đào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.